Nghĩa Đàn nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn
Những năm gần đây, nuôi lươn không bùn phát triển đã tạo ra những giống lươn năng suất cao, sức đề kháng mạnh. Điều này giúp cho nghề chăn nuôi lươn không chỉ ít rủi ro, mà còn giúp nông dân mang lại thu nhập ổn định. Gia đình ông Lê Xuân Giá, xóm Màn, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn đã thành công với mô hình nuôi lươn không bùn.
Cuối năm 2017, trong một lần vào Nam chơi, tận mắt chứng kiến mô hình nuôi lươn không bùn bằng bể xi măng cho thu nhập cao, ông Giá mạnh dạn về nuôi thử 5.000 con giống. Do khi bắt tay vào nuôi lươn còn ít kinh nghiệm nên lứa lươn đầu tiên thất bại hoàn toàn. Không nản chí, ông tiếp tục đầu tư nuôi tiếp với hơn 10.000 con giống, sau 10 tháng chăm sóc cho khoảng 2,5 tấn lươn thương phẩm, với giá bán hiện nay 140 - 160 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 200 - 230 triệu đồng.
Theo ông Giá, để thành công từ mô hình này cần lưu ý việc đầu tiên của nuôi lươn không bùn là chọn con giống, phải là con giống tự nhiên chứ giống nhân tạo thì nuôi dễ mà bán khó. Từ con giống tự nhiên phải tập cho quen dần với môi trường nhân tạo bằng đủ cách bơm và thay nước thường xuyên, canh mực nước vừa phải, trộn thuốc chống sốc, thuốc trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn có sức chống chọi tốt, làm thêm chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn. Sau 2 tháng thuần hóa sẽ thích nghi với môi trường mới, tỷ lệ sống trên 90%. Nuôi lươn trong bể không bùn khá đơn giản, bể nuôi có diện tích từ 10 đến 30m2, dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào, để thuận lợi cho việc thay nước, mực nước trong bể từ 20 - 25cm; nuôi bình thường với mật độ 200 - 250 con/m2 lươn sẽ tăng trọng nhanh, phát triển đồng đều, không hao hụt, sau 5 - 6 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 0,2 kg/con. Nuôi lươn không bùn tiết kiệm chi phí, dễ chăm sóc, nhu cầu thị trường cao. Nếu tuân thủ đúng quy tắc “bốn định”, bao gồm định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn thì lươn rất nhanh lớn.
Để lươn có chỗ trú ẩn, trong bể đặt vỉ tre đan hoặc túi ni lông, phải thường xuyên thay toàn bộ nước để lươn có môi trường sống sạch. Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn con giống khỏe mạnh, có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, kích cỡ đồng đều. Tiếp đến, nguồn nước dùng để nuôi lươn phải sạch, nếu nước bẩn lươn dễ bị mắc bệnh và chết. Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện lươn bị bệnh phải tách riêng ra xử lý, tránh để lây lan dễ bị chết hàng loạt.
"Lươn dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nhưng phải cho ăn điều độ, đúng giờ, ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá tạp, ốc bươu xay nhuyễn trộn cùng bột cám. Nếu chăm sóc lươn đúng kỹ thuật lươn rất nhanh lớn, ít mắc bệnh, nếu có chỉ là bệnh ký sinh trùng, bệnh ngoài da … rất dễ điều trị" - ông Giá cho biết thêm.
Sau mỗi lần cho ăn, cần tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa khỏi bể, tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi. Khi trời âm u, mưa, lạnh phải giảm bớt lượng thức ăn. Đồng thời, thức ăn cho lươn không nên thay đổi một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi, ở giai đoạn đầu khi thả nuôi thức ăn phải cung cấp đầy đủ cho lươn không để lươn đói vì chúng sẽ ăn nhau giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 1 tuần phải trộn vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng đề kháng và khả năng tiêu hóa cho lươn.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, vừa qua, hội nông dân huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức cho cán bộ hội 25 xã, thị trấn thăm quan học tập mô hình từ cách thiết kế chuồng trại, chuẩn bị bể và nguồn thức ăn. Để đáp ứng nhu cầu nuôi lươn không bùn của các hộ dân trên địa bàn, dự kiến thời gian tới, hội nông dân huyện sẽ phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỷ thuật nuôi lươn cho bà con.
“Sau khi đi thăm quan, thấy mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của các địa phương, có thể nhân rộng trên địa bàn. Mô hình nuôi lươn không bùn không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ khoảng vài chục mét vuông, vì vậy người dân có thể tận dụng các khu đất trống xung quanh nhà để xây bể nuôi lươn. Đặc biệt có thể tận dụng các ô chuồng nuôi lợn có sẵn cải tạo lại thành bể nuôi lươn, đây là mô hình phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, đồng thời góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tận dụng được nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp để nuôi lươn đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân" - ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin