Cô gái Nghệ và khát vọng thương hiệu mỳ rau Việt
Tâm thế người Nghệ
Mẹ mất sớm, cuộc sống của chị em Tâm muôn vàn khốn khó. Bù lại, tính tự lập được hình thành từ nhỏ. Thương cha vất vả, từ cô sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Tâm xin nghỉ học về quê theo học chương trình cao đẳng kinh tế để sớm tìm được việc làm. Ra trường, cô gái ấy đã may mắn có được công việc ổn định ở thành phố Vinh, thu nhập khá. Nhưng, một ý định “quái gở” đã xuất hiện trong cô: Về quê trồng rau. Tâm kể: “Một vài lần tham gia giải cứu nông sản cho bà con, nhất là các loại rau củ của quê hương Diễn Châu, em đã không cầm lòng được, muốn có một con đường nào đó riêng rẽ, bền vững”.
Nói là làm, Tâm rời thành phố, mang theo ý định “quái gở” về quê. Việc đầu tiên là chọn đất, ký kết hợp tác với bà con nông dân để trồng rau. Vụ đầu tiên, nắm chắc phần thắng thì gặp mưa lũ dài ngày. Nhìn những ruộng rau héo úa vì úng nước, đau như cắt. Không nản, Tâm bán xe ô tô để tái đầu tư. Rồi những chuyến xe chở rau đã bắt đầu lăn bánh, Tâm khấp khởi chờ tiếng “teng teng” báo hiệu tiền về tài khoản. Lại thêm một nỗi đau, một số hộ dân đã độn vào một số giống rau khác loại, Tâm bị phạt, bị huỷ hợp đồng. “Lúc đó em chỉ còn biết ôm mặt khóc”, Tâm nhớ lại.
Mẻ mỳ rau lúa mạch vừa ra khay. |
Trong cái rủi có cái may, sau lần ấy, từ lời giới thiệu của một người bạn, Tâm được gặp một thương gia người Nhật Bản. Ông ấy đặt hàng Tâm trồng thử một số loại rau, củ và ông đã tin tưởng chuyển giống và quy trình sản xuất cho cô. Tâm đã thành công và vị thương gia kia tiếp tục thử thách cô bằng những loại giống rau khác. Tâm lại thành công. Vị thương gia từng ngạc nhiên, hỏi vì sao rau của Tâm trồng ở Nghệ An lại ngon hơn một số nơi có khí hậu rất tốt. “Nghệ An có thời tiết khắc nghiệt, đó là điểm yếu, nhưng cũng là điểm mạnh, vì rau củ đã thích hợp thì kết tinh được tinh tuý của thiên nhiên, do vậy mà ngon hơn các nơi khác”- Tâm khẳng định như thế. Không thể có lời giải thích nào thuyết phục hơn, vị thương gia đã chính thức giao đơn hàng cho Tâm, 26 tấn bột rau mỗi tháng, trong đó yếu là bột lúa mạch.
“Tôi từ chối đơn hàng của ngài, vì tôi chưa đủ sức, đất đai chưa đủ để sản xuất lớn. Nếu được, ngài có thể cho được sử dụng quy trình sản xuất để tôi tiến hành làm từ từ, tạo lập thị trường nội địa trước, lúc nào tự tin, đủ điều kiện, tôi sẽ nhận lời với ngài”, Đặng Thị Tâm khảng khái. Thương nhân người Nhật rất hài lòng về thái độ thẳng thắn và cách làm việc nghiêm túc của Tâm. Ông đã đồng ý với đề xuất của Tâm.
Tư duy người Nhật
Tâm kể, trong một lần cùng lội ruộng với vị thương gia, ông nói: “Cô phải làm sao cho thế giới biết về sợi mỳ Việt Nam nó ngon như thế nào. Hãy để sợi mỳ từ thực vật này đánh thức ước mơ lớn của cô. Hãy làm như người Nhật đã làm Matcha - tinh trà xanh được thế giới tin dùng”.
Từ câu nói ấy, Tâm trằn trọc bao đêm không ngủ: Làm gì để tăng thêm giá trị cho rau xanh? Làm gì để rau xanh không thể hỏng? Mỳ rau. Tại sao không! Lại bao đêm trắng để nghiên cứu, chế biến bột rau, rồi cắt sợi, phơi phóng… đủ kiểu. Không như mong đợi! Khi nhão, khi dai, khi hỏng… Tâm đi tìm những cán bộ lương thực của thời tem phiếu, để học hỏi kỹ thuật cán mỳ sợi. Đúng như mọi người nói, cứ đi sẽ có đường, cứ gõ cửa sẽ mở. Ai cũng tận tình chỉ dạy cho cô.
Chủ cơ sở sản xuất mỳ rau Đặng Thị Tâm. |
Nắm được kỹ thuật chế biến mỳ nhưng Tâm vẫn chưa thể hài lòng, bởi làm thủ công chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Lại là vị thương gia người Nhật, đã giới thiệu cho cô một số chuyên gia hàng đầu ngành mỳ thế giới. Họ đã nhận lời sang Việt Nam giúp Tâm với điều kiện: Ngoài chi phí thì họ phải được đi xuyên Việt, để nếm thử tất cả các loại mỳ. “Em buộc phải ăn hàng trăm loại mỳ, nói thật là có hôm không thể nuốt được nữa”, Tâm kể lại. Nhưng, chính chuyến đi đã cho Tâm hiểu rằng, muốn thành công thì phải tạo ra một loại mỳ mang phong vị riêng, phong vị Việt. Tâm hãnh diện: “Em nhận ra rằng, trong từng sợi mỳ ấy, không chỉ có dưỡng chất, không chỉ có màu xanh của rau mà nó còn chứa đọng hồn cốt văn hoá Việt, hãnh diện lắm chứ”. Và cũng sau chuyến đi ấy, lại một chiếc xe ô tô nữa của gia đình “ra đi” để cô đón về các loại thiết bị hiện đại, phục vụ sản xuất mỳ ANPASO chất lượng cao.
Những loại rau, củ mà Tâm đã lựa chọn cho sản phẩm mỳ của mình là cải bó xôi, củ cải đỏ, củ dền, nghệ, lúa mạch và sâm cát... Trong đó, giống lúa mạch hoàn toàn phải nhập khẩu, còn lại là giống cây bản địa. Đặc biệt, sâm cát là loại dược liệu quý, mọc dưới tán rừng phòng hộ ven biển, giàu vitamin, canxi… đã được Tâm nghiên cứu dược tính kỹ lưỡng.
Tôi như bị hút hồn vào lời thuyết trình của Tâm. Hoá ra, để làm nông nghiệp sạch không hề đơn giản, thật lắm công phu. Và làm nông nghiệp sạch chưa hẳn đã cần “trồng trọt công nghệ cao”, nhưng tuyệt đối phải hiện đại ở khâu chế biến. Tâm giảng giải: Cũng là lúa mạch, nhưng đối với nhà máy bia, họ chỉ sử dụng hạt ủ mầm. Nhưng đối với bọn em thì phải chờ cây lên mạ non, khoảng từ 14 đến 16 ngày tuổi là lúc hội đủ lượng vitamin cần thiết để làm mỳ rau, thì thu hoạch. Tương tự, cây sâm cát cũng vậy, mình cần hàm lượng dinh dưỡng và các dưỡng chất ở mức độ nào thì khai thác ở độ tuổi đó…
“Mỳ rau An An đã hoàn thành các thủ tục để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ quốc tế do tổ chức USDA của Hoa Kỳ cấp. Một khâu nữa thôi, đỡ dịch bệnh, các chuyên gia sang đánh giá thực địa, mỳ rau An An sẽ được ghi tên trên bản đồ ngành mỳ thế giới”, Tâm hãnh diện thông báo.
Không thể chờ lâu hơn, tôi phóng ngay về nhà, tức tốc đỏ lửa để làm món mỳ lúa mạch mang nhãn hiệu An An mà Tâm vừa tặng. Cậu út nhà tôi vừa xì xụp, vừa nức nở: chẳng thua gì mỳ Ý!
Một nỗi niềm tâm tư mà Chủ hãng mỳ rau An An – Đặng Thị Tâm mong muốn được giãi bày: Ước mong được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An tạo điều kiện cho cô thuê đất để làm vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại. “Hiện, đất thuê của bà con đang được ký theo từng năm, rất bấp bênh về nguyên liệu. Nếu được thuê đất, trước mắt chỉ cẩn 20 ha thôi, em đảm bảo sẽ thu hút được hơn 300 lao động, chủ yếu là phụ nữ trong vùng với thu nhập không dưới 5 triệu đồng/ người/ tháng”, Tâm khẳng định.