Hồ Chí Minh với tư tưởng xuyên suốt về đoàn kết
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh rất nhiều lần nói về đoàn kết. Người đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết-Thành công, thành công, đại thành công”.
Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm” và Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay từ những năm tháng nước nhà chưa giành được độc lập, trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/6/194, Bác kêu gọi “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.
Trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942, Bác viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.
Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.
Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên-Việt toàn quốc ngày 10/1/1955, Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.
Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.
Nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 ngày 25/4/1961, Người nhắc lại câu nói đã trình bày trong cuộc Đại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”.
Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị” và điều ấy không chỉ đúng với đoàn kết toàn dân,còn đúng với cả đoàn kết trong Đảng.Khi nhấn mạnh “đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết”, Người nói rõ mục đích để “làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo”; đoàn kết trong Đảng thể hiện cả trong tư tưởng, hành động, không được giả tạo, hình thức mà phải thực chất, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, đoàn kết trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể, “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”.
Trong “Di chúc”, Bác dành 3 đoạn với khoảng 140 từ nói về “đoàn kết” nêu ba quan điểm lớn:
“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Từ việc khẳng định giá trị truyền thống của sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết, đến việc xác định rõ mục tiêu và kết quả của đoàn kết, Người đúc kết thành kế sách lâu dài giữ gìn, phát huy đoàn kết là thực hành dân chủ rộng rãi.
Đã hơn 40 năm đất nước thống nhất, nhân dân ta đã và đang xây dựng và kiến thiết lại đất nước “to đẹp đàng hoàng” theo ước nguyện của Người. Càng xây dựng và phát triển, càng thấy nhiều khó khăn gian nan và phức tạp khó lường, lại càng thấu hiểu hơn về những dự báo chiến lược của Bác Hồ từ 7 năm trước ngày đại thắng mùa Xuân 1975.
Bác phác họa rõ: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. Người dự liệu: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm” và Người dự cảm: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Chính vì thế Bác đề nghị “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” với yêu cầu “mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Trong Di chúc Bác nhắc lại đầy đủ hoàn chỉnh như một nguyên lý:“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Người căn dặn thêm một điều cốt yếu như một nhân tố cần thiết là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Thực hành theo nguyên lý ấy không mới nhưng thực tiễn chỉ rõ không thể thiếu điều kiện cần và đủ để thực hành có hiệu quả là phải có tình yêu thương lẫn nhau giữa đồng chí với đồng chí. Trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu, khi thực hành công việc phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc; từng tổ chức Đảng bên cạnh việc chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu cảm thông chia sẻ, tình đồng chí.
Bác khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” nên "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ cho biết “Bác đã suy ngẫm trong suốt một thời gian dài về 4 chữ “THẬT” đó, chí ít là trong 3 tháng, kể từ buổi Người đến thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn ngày 15-/2/1965, trước khi bắt tay vào viết Di chúc ngày 10/5/1965”.
Từ đó, Di chúc Bác Hồ chỉ dẫn toàn Đảng toàn dân trong công cuộc cách mạng “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học về tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng.
Sang thế kỷ XXI, Đảng nêu cao chủ đề phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng… và trên thực tế đất nước và dân tộc vẫn đinh ninh lời thề trước anh linh Người: “Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Ðảng làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.
Theo VGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin