Showbiz Nhật Bản lao đao
NHK đưa tin ngày 31/7, chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo tình trạng khẩn cấp về đợt bùng phát thứ 4 của Covid-19 tại Tokyo và một số khu vực lân cận như Saitama, Kanagawa, Chiba, quận phía tây Osaka. Chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận 3.865 ca mắc mới vào ngày 29/7 và trên toàn quốc là 10.699 ca. Theo NHK, đây là con số cao nhất tại nước này tính tới 29/7.
Ngành giải trí gián đoạn vì hàng loạt nghệ sĩ mắc Covid-19
Chiều 2/8, Tokyo Reporter đưa tin nữ diễn viên Matsui Rena thông báo mắc Covid-19. Cô không xác định được nguồn lây nhưng phát hiện nhiễm virus sau khi tự nguyện xét nghiệm PCR vào ngày 31/7. Nữ diễn viên đang chăm sóc sức khỏe dưới sự hướng dẫn của trung tâm y tế.
Cùng ngày, công ty quản lý của nhóm nhạc AKB48 thông báo 7 thành viên trong nhóm có kết quả dương tính. Omori Maho, Kuranoo Narumi, Sakaguchi Nagisa, Nagano Serika, Suzuki Yuka, Uemi Sorano, Tokunaga Remi bị sốt sau đó tiến hành xét nghiệm PCR và nhận kết quả dương tính trong 2 ngày 30-31/7.
7 thành viên của AKB48 mắc Covid-19. |
Trung tâm y tế đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn lây. Hiện tại, 7 thành viên được tự cách ly và theo dõi tình trạng. Do đó, AKB48 không tham gia chương trình trực tiếp Skapa! Idol Fes! ~2021 Summer~ phát sóng ngày 6/8. Ngoài ra, màn trình diễn Te wo Tsunaginagara của team 4 vào ngày 2/8, AKB48 Fresh Concert ~ Natsu wa Yappari AKB! ngày 7/8 và 8gatsu 8ka wa Eight no Hi 2021 Yokohama Oshare Matsuri ngày 8/8 bị hủy bỏ.
Trong khoảng một tuần qua, ít nhất 13 ca sĩ, diễn viên Nhật Bản thông báo mắc Covid-19. Theo thông báo trên trang web chính thức của nhóm nhạc predia vào ngày 27/7, Maeda là thành viên đầu tiên mắc Covid-19. Sau đó, Mizuno, Minato và Murakami có kết quả dương tính. Các thành viên không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Cùng ngày, Shizu-chan (42 tuổi) - thành viên của bộ đôi diễn viên hài Nankai Candies - có kết quả xét nghiệm dương tính. Đây là lần thứ 2 nữ diễn viên mắc Covid-19. Shizu-chan từng dương tính vào tháng 1.
Sau đó, Fukada Ryusei của nhóm nhạc Shonen Ninja, Gyoten Yurina (nhóm AKB48), diễn viên hài Jinnai Tomonori, nam ca sĩ Tamura Yukihisa, Yuuri, thành viên Ise Layla của ANGERME, Suzuki Shigenobu và Akirakani Akira nhóm The Oral Cigarettes… cũng tạm dừng hoạt động vì mắc Covid-19.
Gần như ngày nào, giới giải trí Nhật Bản cũng đón nhận thông tin nghệ sĩ mắc Covid-19. Đặc biệt, với các nhóm nhạc, không chỉ một mà vài thành viên cùng dương tính do lây nhiễm chéo.
Ngày 21/7, công ty quản lý của nhóm nhạc Kamen Joshi thông báo 5 thành viên là Seira Saria, Sena Mitsuki, Ueshita Ao, Kitagawa Misaki và Kamen Joshi Ouya Shizuku mắc Covid-19. 10 thành viên khác của Kamen Joshi được xác định là có liên hệ mật thiết với 5 người kể trên.
Cùng ngày, công ty Alice Project cũng thông báo 3 thành viên Hinata Nao, Nozaki Yurika và Shirosaki Momo của nhóm nhạc thần tượng Cerisier nhiễm virus. Việc hàng loạt nghệ sĩ mắc Covid-19 dẫn đến nhiều sự kiện bị hủy bỏ. Ngành giải trí Nhật Bản rơi vào trạng thái gián đoạn.
Nữ diễn viên Nagano Mei nhận kết quả dương tính vào tháng 7. |
Hàng loạt công ty kêu cứu
Để hạn chế sự gia tăng của các ca lây nhiễm, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp, từ giãn cách xã hội đến đóng cửa tạm thời. Quyết định này ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh.
Theo bài viết của The Japan Times, các lễ hội âm nhạc, phim ảnh tạm dừng trong khoảng một năm qua khiến nhiều công ty, tập thể và nghệ sĩ rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. Nhiều người đã chuyển sang hoạt động trên các trang web huy động vốn từ cộng đồng như một cách để bù đắp khoản lỗ. Những người khác, bao gồm các nghệ sĩ, nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.
“Các nghệ sĩ trong nước có thể nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng các công ty tổ chức sự kiện nước ngoài thì không”, Naoki Shimizu - chủ tịch của Creativeman - nói với The Japan Times. Creativeman cùng 9 công ty nổi tiếng khác như Smash, Live Nation Japan và Avex Live Creative không nhận được sự hỗ trợ dù chịu trách nhiệm tổ chức những lễ hội âm nhạc lớn nhất trong năm.
“Thông thường, chúng tôi cạnh tranh với nhau như đối thủ. Nhưng hiện tại chúng tôi phải đoàn kết,” Shimizu nói. Shimizu nói rằng đại dịch đã thay đổi cách thức phát triển của nhạc sống ở Nhật Bản. Đối với Creativeman, công ty buộc phải suy nghĩ lại việc tổ chức sự kiện quy mô lớn.
Thay vào đó, công ty đầu tư vào không gian kỹ thuật số, chẳng hạn các buổi hòa nhạc trực tuyến và gần đây thành lập một công ty quản lý hướng tới việc phát triển các nghệ sĩ trong nước. Kể từ cuối năm ngoái, Creativeman và các công ty tổ chức sự kiện nước ngoài khác đã cùng nhau thúc đẩy chính phủ thay đổi lập trường.
Bên cạnh những lời “kêu cứu” trực tiếp, Shimizu cho biết họ đã thông qua các phương tiện truyền thông, liên hệ với đài truyền hình và nhà xuất bản, đồng thời nêu rõ quan điểm trên Twitter hay nền tảng âm thanh Clubhouse. Shimizu hy vọng người hâm mộ nhận thức được hoàn cảnh của công ty và đứng về phía họ.
Theo The Hollywood Reporter, ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đối mặt với khoản lỗ 5 tỷ USD giữa lúc bùng phát virus corona do doanh thu phòng vé sụt giảm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, các chuyên gia dự đoán doanh thu điện ảnh giảm khoảng 10-15%.
Đại diện của hãng phim, nhà phân phối và điều hành rạp hát của Nhật Bản, Shochiku nói với The Hollywood Reporter đang xem xét có nên tiến hành sự kiện quảng cáo cho các bộ phim hay không. Đầu tháng 4, Shochiku hoàn tiền cho những khán giả đã mua vé trước.
Toho cũng hoàn lại tiền cho khách hàng và nhượng quyền thương mại anime Doraemon the Movie: Nobita's New Dinosaur. Bộ phim rời lịch phát sóng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Kadokawa's Fukushima 50 - bộ phim hành động về cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 2011 của Nhật Bản với sự tham gia của Ken Watanabe - cũng hủy buổi ra mắt vào ngày 5/3.
Mọi lĩnh vực, đặc biệt anime bị ảnh hưởng vì Covid-19. |
Không chỉ âm nhạc, điện ảnh hay truyền hình, tờ Nikkei Asia cho biết ngành công nghiệp anime (hoạt hình) của Nhật Bản cũng gặp khó khăn. Công việc này vốn đã chật vật trong nhiều năm qua bởi những điều kiện bất lợi như thời gian làm việc dài trong các trường quay chật chội, thù lao thấp, thiếu lao động trong nước và phụ thuộc vào nhu cầu của người hâm mộ, doanh thu phòng vé.
Kể từ khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo và các thành phố khác vào ngày 16/4 để đối phó với đợt bùng phát Covid-19, người dân được yêu cầu làm việc tại nhà, các nhà sản xuất anime càng đối mặt với tình trạng bất lợi.
Hàng chục tác phẩm bị tạm dừng vô thời hạn, bao gồm những loạt phim ăn khách như Pokemon, One Piece, Doraemon, Thám tử lừng danh Conan và thậm chí là Sazae-san - bộ phim giữ kỷ lục Guinness thế giới về phim truyền hình dài tập nhất.
Nhà phân tích và phê bình kinh doanh anime kỳ cựu Tadashi Sudo chỉ ra 4 thách thức mà các hãng phim Nhật Bản phải đối mặt hiện nay: Sự gián đoạn đường cung cấp với phần còn lại của châu Á; việc hủy bỏ các sự kiện trực tiếp và đóng cửa rạp chiếu phim; sự chậm trễ trong tổng thể sản xuất do làm việc tại nhà và việc hủy bỏ các phim lồng tiếng. Trong số này, ông nói điều cuối cùng là gây thiệt hại nhất.