Gừng được giá, nông dân Kỳ Sơn phấn khởi mở rộng diện tích trồng
Anh Xồng Bá Lẩu, bản Buộc Mú xã Na Ngoi, Kỳ Sơn chăm sóc hơn 1,5 ha gừng mới trồng của gia đình. |
Với niềm vui được mùa gừng năm 2019, vụ gừng năm nay, gia đình anh Xồng Bá Lẩu, bản Buộc Mú xã Na Ngoi, Kỳ Sơn lại tiếp tục mở rộng diện tích trồng gừng. Thời tiết thuận lợi cùng với ít sâu bệnh, vụ gừng năm 2020 cây gừng đang sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân ở bản Buộc Mú phấn khởi, hi vọng thêm vụ một vụ gừng thắng lợi nữa.
Anh Lẩu cho biết để trồng hết diện tích này gia đình anh phải đầu tư hơn 70 triệu đồng để mua hơn 2 tấn gừng giống. |
“So với các loại cây trồng khác cây gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nói chung bà con nông dân Na Ngoi ta cũng trồng nhiều, đối với gia đình tôi thì mọi năm trước trồng 1ha, nhưng năm nay tôi thấy giá gừng cao tôi trồng hơn 1,5 ha, hiện tại cây gừng được 5 tháng, nhưng đã có thương lái đến đặt mua với giá 1kg 20 ngàn đồng, nhưng vì gừng còn non nên gia đình và bà con chưa muốn bán” - anh Lẩu chia sẻ.
Hiện nay, số diện tích gừng mới trồng năm 2020 trên địa bàn Kỳ Sơn đã được hơn 5 tháng tuổi. |
Xác định cây Gừng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, cùng với việc tự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế trồng gừng trên đất dốc nhiều năm , người dân trồng Gừng xã Na Ngoi còn tích cực học hỏi từ các lớp chuyển giao do ngành chức năng của huyện tổ chức và cùng nhau học hỏi chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm trồng gừng. Bên cạnh đó, người dân cũng trồng xen canh các loại cây trồng khác như Đào, Mận, nhờ đó mà lớp đất mùn màu mỡ trên bề mặt được bảm vệ, chống xói mòn, rửa trôi đất.
Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc trồng gừng, Na Ngoi là địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất huyện biên giới Kỳ Sơn. |
“Cây gừng là cây mũi nhọn ở xã biên giới Na Ngoi, trên thị trường hiện nay gừng có giá bán từ 33 đến 35 nghìn đồng/1kg, cây gừng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhân dân. Cụ thể vào mùa gừng năm 2019-2020 một số gia đình bán được trên 300 triệu đồng, tính bình quân chung là 150 triệu đồng/1 hộ gia đình. Từ kết quả đó, mùa gừng năm 2020 – 2021 bà con tiếp tục mở rộng tăng diện tích trồng gừng trên địa bàn.” ông Xồng Bá Dênh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi, Kỳ Sơn cho biết.
Hoa gừng cũng là một sản phẩm nông sản được nhiều thương lái tìm đến thu mua. |
Gừng là cây bản địa được đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn trồng ở địa hình có độ cao từ 700 mét trở lên. Ở đây, sương mù bao phủ quanh năm, cùng đó là điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khiến gừng Kỳ Sơn có chất lượng đặc trưng, vượt trội và hương vị khác biệt so với các giống gừng ở những nơi khác.
Mùa gừng năm 2020 đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, giai đoạn này sẽ quyết định chất lượng và năng suất của sản phẩm gừng Kỳ Sơn. |
Hiện, huyện Kỳ Sơn đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” thành thương hiệu OCOP mạnh của địa phương và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, để góp phần giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Bà con cho biết vào thời điểm nào cũng có thương lái đến thu mua gừng. |
“Bên cạnh được Cục sở hữu trí tuệ, công nhận chỉ dẫn địa lý thì hiện nay cây gừng là một trong những sản phẩm được đánh giá là chất lượng tốt và có khả năng mở rộng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn với diện tích lớn. Huyện sẽ triển khai các chương trình dự án như chương trình 30A, 135 để hỗ trợ về vốn, mục đích là hỗ trợ về giống, phân bón kỹ thuật để mở rộng tiếp diện tích gừng và đưa sản phẩm gừng thành sản phẩm OCOP của huyện” - ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn trao đổi.
Tại thời điểm này, gừng có giá bán cao nhất từ trước đến nay với giá từ 33 đến 35 nghìn đồng/1kg, thậm chí có thời điểm lên đến 40 ngàn đồng/1kg, gừng được mùa, được giá bà con trồng gừng phấn khởi mở rộng nhiều giện tích gieo trồng. |
Theo số liệu của UBND huyện Kỳ Sơn, những năm trước đây diện tích trồng gừng trên địa bàn toàn huyện chỉ đạt từ 320 đến 350 ha, nhưng riên năm 2020 diện tích gừng lên đến 468 ha và đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên gần 1.000 ha. Cùng với sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, logo bao bì đóng gói đẹp đã góp phần nâng cao vị thế, tên tuổi và củng cố lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và chất lượng cây gừng Kỳ Sơn.