TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhiều vấn đề dân sinh bức thiết làm nóng nghị trường

11:34, 11/07/2019
Phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, trên tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn.
Các đại biểu tham gia kỳ họp. 

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có các ông: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các ông, bà trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Đoàn Chủ trì kỳ họp.
Đoàn Chủ trì kỳ họp.

126 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại 8 tổ tham gia thảo luận

Trước phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp đã được nghe Thư ký kỳ họp - ông Phạm Văn Hóa báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ chiều  10/7. Cụ thể, tại 8 tổ thảo luận, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 126 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận.

Bên cạnh đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của các cấp, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành cần đánh giá nghiêm túc, đề ra các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 cũng như những vấn đề xã hội bức xúc.
Phiên thảo luận tại hội trường, trên tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn.

Bà Ngô Thị Thu Hiền quan tâm đến vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải.

Các vấn đề dân sinh: tăng giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, chất lượng, giá nước sinh hoạt...làm nóng nghị trường

Quan tâm đến vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải, bà Ngô Thị Thu Hiền - đại biểu TP Vinh cho rằng: UBND tỉnh ban hành QĐ số 19 về thu gom rác thải, giá tăng trên tất cả các đối tượng, cử tri cho rằng giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ không tăng. Vấn đề này đã dẫn đến sự bức xúc của nhân dân, bởi người dân cho răng không được tham gia ý kiến,  việc tăng giá không có lộ trình. Việc  quy định tăng giá dịch vụ thu gom rác thải là rất cần thiết và QĐ số 19 được ban hành trong thời điểm chưa nhận được sự đồng tình của nhân dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và đặc biệt thông tin cho nhân dân được biết lý do vì sao tăng.
Bà Hiền cũng cho biết qua tìm hiểu thì được biết trong nhiều năm qua Nhà nước đang phải chịu một khoản ngân sách lớn cho việc thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn do kinh phí thu gom rác thải chưa đảm bảo. Lấy ví dụ năm 2018 TP Vinh chi cho việc vận chuyển thu gom rác thải là 79 tỷ, trong khi thu từ các dịch vụ được khoảng 24 tỷ. Tức là TP và tỉnh phải cấp bù 55 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 18 tỷ, còn lại ngân sách TP. Nếu tăng giá thì thu được hơn 30 tỷ nghĩa là TP và tỉnh còn phải bù gần 50 tỷ. Những thông tin này cần phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và chia sẻ.
Trong thực tế nhiều năm qua, việc thất thu nợ đọng giá dịch vụ thu gom thải là rất lớn, nhiều đối tượng dây dưa, chây ỳ không chịu nộp. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chế tài xử lý các đối tượng này, đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan liên quan có giải pháp xử lý vấn đề này để chống thất thu nợ đọng kéo dài và đảm bảo công bằng trong quá trình thu giá dịch vụ. 

Bà Thái Thị An Chung – đại biểu Tân Kỳ đề nghị đề nghị tỉnh kiểm tra lại tiến độ thực hiện việc mở lại đường Hồ Tông Thốc.

Bà Thái Thị An Chung – đại biểu Tân Kỳ đề nghị đề nghị tỉnh kiểm tra lại tiến độ thực hiện việc mở lại đường Hồ Tông Thốc. Theo kế hoạch quý 1/2019 sẽ mở lại đường, UBND tỉnh đã có văn bản giao TP Vinh thực hiện dự án, kinh phí ngân sách tỉnh 4,5 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện. Bà Chung đề nghị cần nói rõ thời điểm nào sẽ hoàn thành. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cấp các ngành trong vấn đề này?

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường.

Làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, theo cam kết của UBND TP. Vinh đến 30/7/2019 sẽ thông đường Hồ Tông Thốc. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là bể chứa nước thải của bệnh viện xây ra phần mở đường khoảng 2 mét. Hiện, TP đang yêu cầu Công ty CP bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An thu hẹp phần bể này để thông đường. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đến 20/7, nếu Công ty CP Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An không tiến hành di chuyển bể chứa xử lý nước thải để bàn giao mặt bằng thi công đường và mở lại đường thì UBDN tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sử dụng biện pháp cưỡng chế, đảm bảo thông đường Hồ Tông Thốc vào cuối tháng 8 năm nay.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Một vấn đề “nóng” phiên thảo luận tại hội trường đó là chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn. Vấn đề này đã khiến dư luận và cử tri TP Vinh vô cùng bức xúc và hoang mang trong thời gian qua. Tại phiên thảo luận hội trường, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền – đại biểu TP Vinh đề nghị UBND tỉnh làm rõ  3 vấn đề, đó là: tại sao không sử dụng nguồn nước thô của nhà máy nước sông Lam để đảm bảo chất lượng; Làm rõ số tiền chênh lệch khi sử dụng nước sông đào mà không sử dụng nước của nhà máy nước sông Lam để trả tiền lại cho nhân dân; Cần công bố rõ chỉ số chất lượng nước để nhân dân yên tâm khi sử dụng nước.

Phiên thảo luận tại hội trường.
Phiên thảo luận tại hội trường.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lương Thanh Hải – đại biểu Tương Dương nêu vấn đề: Chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân, trong các văn bản quy định của UBND tỉnh phải đảm bảo theo “”Tiêu chuẩn Việt Nam”. Do vậy, ông Hải đề nghị làm rõ các tiêu chuẩn này: Gồm bao nhiêu tiêu chuẩn? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn này? Tiêu chuẩn nước đầu vào, nước đầu ra, tiêu chuẩn nước giữa các địa phương có giống nhau không,…
Sau khi nghe phần giải trình của ông Nguyễn Trường Giang – Quyền Giám đốc Sở Xây dựng, ông Lê Xuân Đại - đại biểu  Nghĩa Đàn chưa thỏa mãn với ý kiến giải trình của Quyền Sở Xây dựng. Theo ông Đại, vai trò quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An bây giờ chuyển thành Công ty CP cấp nước Nghệ An vẫn mang 38,5% nguồn vốn của Nhà nước. Mặt khác, Công ty cấp nước Nghệ An chuyển đổi hình thức cổ phần hóa đồng nghĩa chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, năng động, trách nhiệm xã hội hơn. Vì vậy, đề nghị các ngành làm rõ vấn đề và chấm dứt ngay tình trạng lấy nước không sạch.

Đại biểu Lục Thị Liên đề nghị các nguồn vốn đã phân khai cho công tác bảo vệ rừng, có bao nhiêu hộ gia đình được hưởng nguồn vốn này?

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh  Thái Thanh Quý khẳng định sẽ kiểm soát tối đa, đảm bảo chất lượng đầu ra, đầu vào của nguồn nước, yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt quan trắc tự động để kiểm soát cả đầu vào và đầu ra; đồng thời giám sát thường xuyên quy trình xử lý nguồn nước, cũng như sử dụng hóa chất hợp lý.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tính toán hợp lý nhất, phê duyệt giá nước. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đại biểu và cử tri tin tưởng vào các cấp, các ngành, cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn và khẳng định UBND tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt điều chỉnh giá nước sớm và hợp lý. Đồng thời, sẽ xây dựng quy chuẩn nước sạch tại các địa phương, quản lý tốt nước sinh hoạt cho người dân; Tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực này để có cạnh tranh lành mạnh, mang lại chất lượng tốt và giá thành giảm hơn.

Vấn đề sát nhập xóm, xã, bản, chính sách nông, lâm, ngư nghiệp cho người dân được nhiều đại biểu quan tâm

Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) trao đổi theo báo cáo rà soát 3 loại rừng của sở NN&PTNT gồm rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; Nhưng tổng nguồn vốn chỉ có 125.000ha được bảo vệ, chỉ chiếm 1/10 tổng diện tích rừng Bà Liên đặt ra vấn đề, công tác bảo vệ rừng sẽ thực hiện như thế nào để gắn trách nhiệm của chủ rừng và hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần làm rõ kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR và hướng dẫn các địa phương như thế nào? Các nguồn vốn đã phân khai cho công tác bảo vệ rừng, có bao nhiêu hộ gia đình được hưởng nguồn vốn này ? Chất lượng công tác tuyên truyền đã đến tận người dân hay chưa? Đề nghị xem xét điều chỉnh cân đối nguồn vốn phân bổ cân bằng giữa xây dựng và sản xuất cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số?

Đại biểu Nguyễn Xuân Quang (Nghi Lộc)  đề nghị HĐND tỉnh cân nhắc thật kỹ trước khi thông qua Nghị quyết sáp nhập xã, xóm, bản. 

Xung quanh đề án sáp nhập xã, thôn, xóm, đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (Thái Hoà), Nguyễn Xuân Quang (Nghi Lộc), Lương Thanh Hải (Tương Dương) đề nghị HĐND tỉnh cân nhắc thật kỹ trước khi thông qua Nghị quyết. Thực tế, theo quy định của Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ với quy định quy mô xóm, khói là 250 hộ có những nơi phải tiến hành nhập 3 đến 4 xóm thành một xóm. Với những địa phương thuộc miền núi, dân cư sống thưa thớt, địa hình trải dài, chia cắt thì địa bàn xóm, thôn, bản sau khi sáp nhập rất rộng sẽ gây khó khăn trong quản lý. Các đại biểu đề xuất nên chăng tiến hành sáp nhập phải dựa vào tình hình thực tế mà không quá cứng nhắc.
Tại phiên thảo luận, các sở, ngành cũng đã thảo luận, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu. 

Ông Nguyễn Văn Độ - Sở KHĐT trao đổi 2 vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư công.
Ông Nguyễn Văn Độ - Sở KHĐT trao đổi 2 vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư công.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐTBXH giải trình về các vấn đề: chính sách hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy, cần quan tâm hộ nghèo, hộ cận nghèo, chế độ hỗ trợ thờ cúng liệt sỹ; tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài; cơ chế XKLĐ riêng cho miền núi...Đặc biệt, về vấn đề chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ông Vũ lý giải đây là chủ trương từ Bộ và Nghệ An đang làm thí điểm. Việc thực hiện đề án sẽ góp phần tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, giảm nhiệm vụ của cán bộ cấp xã, chi trả một cách chuyên nghiệp có hệ thống và quản lý tiền bạc chặt chẽ. Tuy nhiên, những đối tượng không có sức khỏe, thì phải có ủy quyền. Nếu không có ủy quyền sẽ đình chỉ chi trả chế độ. Ngành sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, báo cáo với Bộ với thời gian ủy quyền và nới rộng người được ủy quyền. Người đứng đầu ngành LĐTB-XH cũng mong sẽ nhận được sự ủng hộ của các đối tượng NCC với chủ trương của Bộ. 

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐTBXH giải trình về các chính sách cho người có công.

Về vấn đề hỗ trợ thân nhân, gia đình có con em tử nạn tại cống Hiệp Hòa. Tỉnh đã có QĐ hỗ trợ 1 lần hoặc hàng tháng cho gia đình thân nhân. Theo nguyện vọng, tỉnh đã điều chỉnh tăng gấp đôi, đã vận dụng và chế độ đặc thù, chi trả là 540.000 đồng/tháng, trong đó Thanh Chương 49 người, Đô Lương 2 người. 
Xung quanh đề án sáp nhập xã, thôn, xóm, các đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (Thái Hoà), Nguyễn Xuân Quang (Nghi Lộc), Lương Thanh Hải (Tương Dương) đề nghị HĐND tỉnh cân nhắc thật kỹ trước khi thông qua Nghị quyết. Thực tế, theo quy định của Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ với quy định quy mô xóm, khói là 250 hộ có những nơi phải tiến hành nhập 3 đến 4 xóm thành một xóm. Với những địa phương thuộc miền núi, dân cư sống thưa thớt, địa hình trải dài, chia cắt thì địa bàn xóm, thôn, bản sau khi sáp nhập rất rộng sẽ gây khó khăn trong quản lý. Các đại biểu đề xuất nên chăng tiến hành sáp nhập phải dựa vào tình hình thực tế mà không quá cứng nhắc.

Ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ giải trình về đề án sáp nhập xã, xóm, bản.

Giải trình vấn đề này ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Quá trình thực hiện sẽ xem xét các yếu tố đặc thù như vị trí địa lý địa hình, tổ dân phố nằm trong diện GPMB, thôn vùng sâu vùng xa, ở vùng chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Về ý kiến quá trình thực hiện không được cứng nhắc dẫn đến tạo sự áp đặt -  ông Thanh bày tỏ sự đồng tình.
Theo ông Thanh tinh thần các huyện phải khẩn trương thực hiện nhưng triển khai các bước phải thận trọng. Phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Sở cũng đã dự báo được các khó khăn, hệ lụy sau sáp nhập về biên chế, bộ máy, trụ sở để có giải pháp khắc phục. Sẽ có nhiều vấn đề phát sinh do đó mong đại biểu chia sẻ, ủng hộ để thực hiện thành công Đề án này.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cũng đã làm rõ ý kiến một số đại biểu quan tâm về tình hình ma túy trên địa bàn Nghệ An.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cũng đã làm rõ ý kiến một số đại biểu quan tâm về tình hình ma túy trên địa bàn Nghệ An phức tạp, người nghiện ma túy tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh có 6.823 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, tuy nhiên, thực tiễn điều tra thêm thì hơn nhiều. Số đối tượng nghiện ma túy trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Trước tình hình này, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng đang tham mưu quyết liệt cho Ban Chỉ đạo của tỉnh để đấu tranh có hiệu quả hơn với tình hình tội phạm ma túy. 
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu khẳng định: “Vấn đề này Công an tỉnh đã chủ động và chúng tôi có quyết tâm rất cao, đó là không để Nghệ An trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của cả nước”.

Ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên thảo luận tại hội trường.

Đánh giá phiên thảo luận tại hội trường, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường đều là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tế tình hình của tỉnh. Vì vậy, đề nghị UBDN tỉnh, các cấp, ngành và các địa phương theo trách nhiệm quản lý của mình nghiêm túc tiếp thu để có giải pháp tích cực trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện; phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2019.

Hiến Chương - Thùy Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm