Cấm hàng Việt lưu thông nội địa chỉ ghi xuất xứ “Made in Viet Nam”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thay mặt nhóm soạn thảo chia sẻ về Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Thứ trưởng Khánh cho biết, do Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt, không được phép chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài như “Made in Viet Nam” hay “Product of Viet Nam”.
“Chúng ta là người Việt Nam và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau”, ông Khánh nói.
Trả lời câu hỏi được nhiều người quan tâm là vì sao bây giờ Bộ Công Thương mới đưa ra quy định về cách xác định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, Thứ trưởng Khánh cho biết, thực tế theo đúng chức năng và phạm vi quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay nói cách khác là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi vào các thị trường nước ngoài hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
“Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khoa học và công nghệ, không phải của Bộ Công Thương”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, thực tế đã phát sinh một số bất cập từ nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Do đó, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép được nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi sơ bộ về ý tưởng này, cũng có ý kiến cho rằng đây không phải là việc của Bộ Công Thương mà là việc của nhiều bộ, ngành. Cụ thể, nên giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thế nào là nông sản Việt Nam. Tương tự, giao các Bộ Thông tin Truyền thông và khoa học công nghệ quy định thế nào là sản phẩm công nghệ Việt Nam, Bộ Xây dựng quy định đâu là vật liệu xây dựng Việt Nam...
“Trên cơ sở ý kiến thống nhất của một số bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã triển khai ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Khánh cho biết.
Trước câu hỏi trường hợp nào thì hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, ông Khánh cho hay, hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư hoặc hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Thông tư thì được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin