Bảo đảm kiểm soát lạm phát từ 3,3 - 3,9%, điều hòa được cung - cầu thịt lợn
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá thịt lợn trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, cần có giải pháp để kiểm soát chỉ số giá, đảm bảo cung - cầu về thịt lợn và giảm lạm phát kỳ vọng đối với mặt hàng thiết yếu này.
Còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 - 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Chính quyền nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Về vấn đề giá lợn, Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua giá trung bình trên cả nước vào khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 72.000đồng/kg, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.
Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc một số nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung. Các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã vô hình trung cùng tạo hiệu ứng lan tỏa là giá lợn trong nước tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung và thương lái đã lợi dụng để đẩy giá lên cao bất thường. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các doanh nghiệp lớn để giữ ổn định giá thịt lợn thời gian tới.
Trong khi đó, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70 – 75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên giá lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000 – 75.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8 – 1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%.
Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn thịt lớn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Dự báo, nếu giá thịt lợn tăng thêm khoảng 10 – 15%, đạt đến mức giá 80.000 đồng/kg thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5 – 0,7%, đưa mức CPI bình quân năm 2019 dự báo tăng dưới 3% so với năm 2018, vẫn trong vùng kiểm soát. Tuy nhiên, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cách đây ba ngày ông dẫn đầu đoàn của Bộ sang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm rõ vấn đề có thiếu thịt lợn hay không, thiếu ở mức độ nào, nhưng ngay trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa thống nhất trong vấn đề phán đoán. Ông cho rằng phải khẳng định là thiếu thịt lợn, đặc biệt là dịp Tết sẽ thiếu 70.000 – 90.000 tấn thịt lợn hơi, phải tính đến việc nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung nếu trong nước không đảm bảo, điều này sẽ làm hạ nhiệt giá thịt lợn, giảm lạm phát kỳ vọng. Cần đánh giá thực chất vấn đề thì mới có biện pháp phù hợp, đồng thời cần tăng cường kết nối cung - cầu, tập trung vào mặt hàng thịt lợn, với tinh thần không có sự cắt quãng trong giao thương. Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các địa phương để ngăn chặn đầu cơ, không xuất khẩu sang nước khác trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Bộ Tài chính nhận định, “báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơi lạc quan, Bộ cần nắm sát lại khả năng cung và Bộ Công Thương cần có ngay giải pháp về cầu. Hiện đã có 6 văn bản chỉ đạo về vấn đề này, vấn đề là làm sao dự báo tình hình dư ra, thừa tí còn hơn để bất ngờ”.
Bù đắp thiếu hụt về nguồn cung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần nhận định sát, đúng tình hình, tránh cực đoan, duy ý chí hoặc phức tạp hóa vấn đề, tạo lạm phát kỳ vọng. Phân tích báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cơ cấu các sản phẩm khác để bù đắp cho sự thiếu hụt của sản phẩm thịt lợn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê, phải tính kỹ xem Bộ có chủ quan quá không”.
“Dân tin Chính phủ ở chỗ trung thực, báo cáo phải chính xác. Tổng cung cầu về thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Tăng đàn gia cầm quá mức, làm cho một số ngành chăn nuôi gia cầm trọng điểm ở Đồng Nai bị tác động mạnh, giá giảm, thiệt hại cho người chăn nuôi”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng cân đối cung - cầu phải theo từng tháng. Hai Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xem xét có cần phải nhập khẩu thịt lợn không. “Sáng nay Thủ tướng nói với tôi, kể cả nhập 100.000 – 200.000 tấn là cho nhập”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Khẳng định thiếu hụt về nguồn là rõ ràng, Phó Thủ tướng truy lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Chăn nuôi: “Kế hoạch của Bộ là giảm thiếu hụt, bù đắp được bao nhiêu, bao nhiêu phải nhập. Số lượng đã mất đi (do dịch tả lợn châu Phi- PV) thì phải triển khai công tác tái đàn. Bộ đã ngồi tính toán cho từng tỉnh tái đàn như thế nào? Tái ở đâu, biện pháp tái thế nào mà không để dịch bệnh. Cứ nói chung chung tái đàn, sản xuất giờ mới cần bàn tay của Nhà nước”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc nhập khẩu thịt lợn làm sao phải vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, nhưng không ảnh hưởng đến người sản xuất.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, khan hiếm, tăng giá một mặt là do một bộ phận thương lái găm hàng, nhưng có mặt khác là do cơ quan quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn, có hiện tượng gom hàng bán sang các nước khác. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê làm lại báo cáo, đánh giá thực chất, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán kỹ cung - cầu từng tháng, nhất là trong 3 tháng tới, báo cáo Chính phủ kế hoạch cụ thể về việc tái đàn để đảm bảo bù đắp nguồn cung, đảm bảo không dư thừa cho giai đoạn sau.
Phần thiếu hụt còn lại phải cùng Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ giải pháp nhập khẩu thêm thịt lợn thành phẩm từ các nước có quan hệ thương mại hai chiều theo tinh thần là Chính phủ điều hòa cung - cầu thịt lợn để đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lưu thông, phân phối. Việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay để giải quyết thiếu hụt tạm thời, không nhập thường xuyên. Có kế hoạch nhập từng tháng bao nhiêu, phải sớm có báo cáo với Chính phủ và có thông cáo báo chí để công bố công khai cho người dân, tránh lạm phát kỳ vọng và đánh vào đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại.
Nhấn mạnh tình huống đã ở mức cấp bách, phải làm ngày, làm đêm để có kế hoạch ngay, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải học tinh thần của người Nhật, còn công việc còn phải ngồi làm việc. Chính phủ, Thủ tướng, như tôi làm một ngày 15 – 16 tiếng, không như các đồng chí nghĩ đâu. Cục Chăn nuôi về phải tính ngay... Cấp bách gấp rút như thế, chưa ai chết vì làm việc cả ngày, tinh thần báo cáo nhanh như là chống dịch, sáng 19/11 phải có báo cáo tại giao ban báo chí”.
Khẳng định vẫn kiểm soát được mức lạm phát từ 3,3 - 3,9% trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa thông điệp: Chính phủ sẽ đảm bảo điều hòa được cung - cầu, minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hòa lợi ích: người dân, doanh nghiệp, khối trung gian, không để thiếu thịt lợn trong các dịp lễ, Tết.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, các địa phương không lơ là chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngăn chặn và xử lý nghiêm việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn xuất khẩu (làm thiếu hụt trong nước) và nhập khẩu (làm gia tăng nguồn bệnh dịch tả lợn châu Phi) qua lãnh thổ Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin