Ai chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại TP Vinh?
Một vấn đề “nóng” phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII sáng nay (11/7), đó là chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Vấn đề này đã khiến dư luận và cử tri TP Vinh vô cùng bức xúc và hoang mang trong thời gian qua.
Tại phiên thảo luận hội trường, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền – đại biểu TP Vinh đề nghị UBND tỉnh làm rõ 3 vấn đề, đó là: tại sao không sử dụng nguồn nước thô của nhà máy nước sông Lam để đảm bảo chất lượng; Làm rõ số tiền chênh lệch khi sử dụng nước sông đào mà không sử dụng nước của nhà máy nước sông Lam để trả tiền lại cho nhân dân; Đồng thời công bố rõ chỉ số chất lượng nước để nhân dân yên tâm khi sử dụng nước.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lương Thanh Hải – đại biểu Tương Dương nêu vấn đề: Chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân, trong các văn bản quy định của UBND tỉnh phải đảm bảo theo “Tiêu chuẩn Việt Nam”. Do vậy, ông Hải đề nghị làm rõ các tiêu chuẩn này: Gồm bao nhiêu tiêu chuẩn? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn này? Tiêu chuẩn nước đầu vào, nước đầu ra, tiêu chuẩn nước giữa các địa phương có giống nhau không?
Giải trình vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang – Quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng vấn đề cấp nước liên quan đến nhiều ngành gồm Sở Y tế, Sở TNMT, Sở Tài chính. Sở xây dựng đã tiến hành kiểm tra thực tế, qua kiểm tra phát hiện từ 27/4/2019 nhà máy nước Cầu Bạch sử dụng nước thô từ Sông Đào. Công ty CP cấp nước sông Lam cho rằng từ 0h đến 6h sáng không lấy nước sông Lam do thời gian đó người dân không có nhu cầu sử dụng nước sạch. Ông Giang cũng thông tin thêm: Ngày 28/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có bản “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” ký với Công ty CP Cấp nước Sông Lam (công ty tư nhân). UBND tỉnh Nghệ An cam kết, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An (100% vốn Nhà nước) ký kết “Hợp đồng cung cấp nước thô từ sông Lam” để tiếp nhận và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ khối lượng nước thô do Công ty CP cấp nước Sông Lam cung cấp trong suốt thời gian hoạt động của dự án trong 50 năm.
Như vậy, kể từ ngày 28/1/2015, khi dự án cấp nước thô của công ty CP cấp nước sông Lam đi vào hoạt động thì công ty cấp nước Nghệ An phải mua toàn bộ nước thô của công ty cấp nước Sông Lam để sản xuất nước sạch. Theo đó, mỗi hộ dân sử dụng nước sạch ở TP Vinh phải trả 3.000 đồng/m3 nước sạch cho công ty cấp nước sông Lam. Từ ngày 28/12/2018, nhà máy nước Cầu Bạch (thuộc công ty cấp nước Nghệ An, hiện đã cổ phần hóa) ngừng mua nước thô của công ty cấp nước sông Lam với giá 1.950 đồng/m3), thay vào đó là lấy nước sông Đào (giá 900 đồng/m3) để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân TP Vinh và phụ cận.
Tuy nhiên, công ty cấp nước Nghệ An vẫn thu tiền nước của người dân theo giá đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt giá nước bao gồm cả 1.950 đồng/m3 nước thô của công ty cấp nước sông Lam. Do hiện nay vẫn chưa xác định rõ công ty cấp nước có sử dụng nước sông Đào không nên chưa thể tính toán được số tiền phải trả lại cho người dân. Về chất lượng nước sạch thì Sở Y tế chịu trách nhiệm. Ông Giang cũng kiến nghị UBND tỉnh tổ chức các bên liên quan làm việc, Sở Tài chính thẩm định để phê duyệt giá nước thô; các sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đột xuất chất lượng nước đầu vào và đầu ra; UBND các địa phương tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Xuân Đại chưa thỏa mãn với ý kiến giải trình của Quyền Giám đốc Sở Xây dựng. Theo đại biểu, giá nước sạch đầu vào bước thô theo quy định của tỉnh được công bố hiện là 1.950 đồng/m3 – Mức giá nước của Nhà máy nước Sông Lam cung cấp.
“Nguồn nước ở Nghệ An vẫn đang đảm bảo. Hồng Lĩnh cháy rừng có thể giảm cây, sông Lam nắng hạn có thể giảm nước nhưng vẫn đủ nguồn nước thô từ sông Lam để sản xuất đảm bảo nước sạch cung cấp cho người dân. Vậy lý do gì lại sử dụng nước sông Đào” – Đại biểu Lê Xuân Đại nhấn mạnh.
Ông Đại cũng khẳng định: vai trò quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An bây giờ chuyển thành Công ty CP cấp nước Nghệ An, nhưng vẫn mang 38,5% nguồn vốn của Nhà nước. Mặt khác, Công ty CP cấp nước Nghệ An chuyển đổi hình thức cổ phần hóa đồng nghĩa chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, năng động, trách nhiệm xã hội hơn. Theo ông Đại, tối đa hóa lợi nhuận nhưng không có nghĩa là bất chấp đạo đức. Bên cạnh đó, vai trò quản lý Nhà nước của các ngành, trong đó có Sở Xây dựng khi nghe thông tin phải kiểm tra xử lý, kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm chứ không chỉ là kiểm tra khối lượng nước vào để có giải pháp đền bù giá nước. Việc làm này không khả thi, chưa thỏa đáng bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. "Đề nghị các ngành làm rõ vấn đề và chấm dứt ngay tình trạng lấy nước không sạch" - ông Đại một lần nữa bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến trách nhiệm Sở Y tế, người đứng đầu Sở y tế Dương Đình Chỉnh cho biết đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn nước sạch sử dụng (sản phẩm đầu ra). Trung tâm y tế dự phòng là đơn vị được giao trách nhiệm chính trong việc giám sát theo 109 tiêu chí của Bộ Y tế chia theo 3 nhóm: A (chỉ số thường xuyên), B - C (chỉ số biến động). Trong đó nhóm A kiểm tra 1 lần/tháng, nhóm B và C từ 6 tháng đến 2 năm kiểm tra 1 lần.
Việc kiểm tra giám sát trong năm 2018, Sở đã kiểm tra 19/19 trạm và đơn vị cấp nước với 192 mẫu nước. Trong đó, 124 mẫu nước đạt (chiếm 81,6%). Kết quả giám sát 6 tháng đầu năm 2019, đã kiểm tra 19/19 đơn vị cung cấp nước. Tổng số lượt kiểm tra 34 với 71 hộ, tổng mẫu nước đạt chiếm 88,7%, không đạt là 11,3%. Cũng trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 24 mẫu nước và đều nằm trong giới hạn cho phép.
Giải trình ý kiến, kiến nghị cử tri thời gian gần đây xung quanh vấn đề nước sạch, ông Dương Đình Chỉnh cho biết, Trung tâm xét nghiệm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO theo Quyết định 61 năm 2016 và được Tổng cục đo lường chất lượng (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận.
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành liên quan phối kết hợp giải quyết các vấn đề dự luận và cử tri quan tâm. Ngày 26/6 vừa qua, Sở đã tiến hành tranh tra đột xuất các đơn vị cấp nước trên địa bàn, trong đó có 2 nhà máy Hưng Vĩnh và Cầu Bạch và gửi Bộ Y tế hỗ trợ xét nghiệm để tăng tính chính xác. Sở sẽ công bố kết quả xét nghiệm trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Y tế cũng kiến nghị: Nâng cấp trung tâm xét nghiệm để giám sát được nhiều chỉ tiêu hơn hoặc mời cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ cùng tham gia đánh giá các chỉ tiêu; Các nhà máy nước đảm bảo kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoặc tự kiểm tra, đánh giá chất lượng nước; UBND tỉnh sớm thành lập ban soạn thảo trong xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm nước sạch; Quản lý chất lượng nước sinh hoạt không phải của một ngành, tăng cường sự phối kết hợp giữa các ngành để đạt kết quả tốt, lâu dài và bền vững.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường khẳng định, quản lý chất lượng sinh hoạt là trách nhiệm của nhiều ngành liên quan, vì vậy, cần thường xuyên tăng cường phối, kết hợp giữa các ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt lâu dài, bền vững cho người dân. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Hiến Chương - Thùy Dương - Hữu Hoàng