Thực hiện sáp nhập xã, xóm cần thận trọng, theo lộ trình, không nóng vội
Xung quanh việc sáp nhập xã, thôn, xóm, đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (Thái Hoà), Nguyễn Xuân Quang (Nghi Lộc), Lương Thanh Hải (Tương Dương) đề nghị HĐND tỉnh cân nhắc thật kỹ trước khi thông qua Nghị quyết. Thực tế, theo quy định của Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ với quy định quy mô xóm, khói là 250 hộ có những nơi phải tiến hành nhập 3 đến 4 xóm thành một xóm. Với những địa phương thuộc miền núi, dân cư sống thưa thớt, địa hình trải dài, chia cắt thì địa bàn xóm, thôn, bản sau khi sáp nhập rất rộng sẽ gây khó khăn trong quản lý. Các đại biểu đề xuất nên chăng tiến hành sáp nhập phải dựa vào tình hình thực tế mà không quá cứng nhắc và thực hiện thận trọng, theo lộ trình, không nóng vội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, cần phải quan tâm đến chế độ chính sách cho bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, xóm, bản vì phải quản lý địa bàn rộng, dân số đông hơn. Bởi vì theo quy định tại Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ở Tổ dân phố thì các chế độ phụ cấp của họ so với trước đây sẽ giảm rất nhiều trong khi nhiệm vụ, áp lực công việc ngày càng tăng.
Mặt khác, việc sáp nhập khối, xóm bản, các xã sẽ làm tăng số hộ dân cư dẫn tới trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa (như nhà văn hóa) cần phải được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu công việc và sinh hoạt. Do đó, đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó là các vấn đề về chất lượng hoạt động của Mặt trận, đoàn thể; quản lý hành chính về an ninh trật tự; các giấy tờ tùy thân; giấy chứng nhận QSD đất…cần được quan tâm. Đồng thời quan tâm hỗ trợ chế độ cho những người đã làm cán bộ xóm lâu năm nay tiến hành sáp nhập không được làm nữa
Giải trình vấn đề này, ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập sẽ xem xét các yếu tố đặc như vị trí địa lý địa hình, tổ dân phố nằm trong diện GPMB, thôn vùng sâu vùng xa, ở vùng chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Ông Thanh bày tỏ sự đồng tinh với ý kiến: tiến hành sáp nhập phải dựa vào tình hình thực tế và không quá cứng nhắc.
Ông Thanh cũng nêu rõ tinh thần các huyện thực hiện khẩn trương nhưng tiến hành từng bước và thận trọng. Khi có sự đồng thuận của người dân mới tiến hành sáp nhập.
“Theo đó, khi triển khai quy trình ở các xóm phải tiến hành 5 bước: xóm phải có phương án; Lấy ý kiến của cử tri, đạt trên 50% mới đưa vào đề án. Tiếp đó, UBND xã trình HĐND xã thành lập hồ sơ trình Sở nội vụ, sở sẽ kiểm tra, nếu có những vướng mắc để cùng xử lý. Sau đó sẽ trình UBND tỉnh xem xét và trình HĐND tỉnh phê duyệt ban hành NQ. Những đơn vị khó khăn sẽ tạm dừng, người dân chưa đồng thuận sẽ kiên quyết đưa ra khỏi đề án làm sau, chứ không vội” – ông Thanh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng đề nghị các huyện cần có dự báo các khó khăn, hệ lụy sau sáp nhập về bộ máy, cơ sở vật chất, trụ sở.. để có các giải pháp khắc phục.
Liên quan đến chế độ chính sách cho cán bộ xóm, ông Thanh thông tin: Bộ Nội vụ đã có NĐ số 24 đã có hiệu lực từ ngày 25/6/2019. Trong NĐ này đã sửa đổi bổ sung về CBCC xã, phường, xóm, có một số điểm mới quy định về số lượng cán bộ xóm, cũng như chế độ phụ cấp. Hiện, tỉnh vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn của Trung ương.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng bày tỏ quyết tâm thực hiện chủ trương này, mặc dù dự kiến sẽ có có nhiều hệ lụy, nhiều vấn đề phát sinh sau khi sáp nhập, nhưng rất mong muốn đại biểu chia sẻ, ủng hộ để thực hiện thành công đề án.
Hiến Chương - Thùy Dương - Hữu Hoàng