Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết dứt điểm
Ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra nghiêm trọng nhiều nơi
Theo đại biểu Đinh Thị An Phong (Đơn vị bầu cử tại huyện Nghi Lộc): Việc xử lý nước thải xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, cử tri kiến nghị nhiều lần, kéo dài ở nhiều kỳ họp. UBND tỉnh đã có giải trình nhưng cử tri chưa đồng tình bởi giải trình còn chung chung. Đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp lâu dài tới đời sống nhân dân, song tình trên thực tế mới chỉ khắc phục được khoảng 40% tình trạng ô nhiễm. Thực tế này đang làm cho khoảng 100ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Nghi Thái và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng trực tiếp; Vì vậy các ngành chức năng cần phải tăng cường giám sát và có giải pháp xử lý dứt điểm cho người dân. “Tình hình ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, việc xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hết sức khó khăn. Dẫn chứng như tình trạng ô nhiễm nặng tại Cống Rào Đừng, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, đã được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết” - đại biểu Đinh Thị An Phong nhấn mạnh.
Giải trình ý kiến của đại biểu Đinh Thị An Phong liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể tình trạng ô nhiễm môi trường nặng tại Cống Rào Đừng, xã Nghi Thái, cũng như nguồn nước tại tại số khu vực lân cận là đúng thực tế và đã tái diễn từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là do nước ở khu vực Kênh Bắc, theo nguyên tắc và một số nơi tập trung về tuyến kênh này theo quy trình, đã được đưa về tại trạm xử lý nước thải tại xã Hưng Hòa , TP Vinh rồi mới cho ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý này chưa đạt được 100% cho nên xẩy ra hiện tượng như đại biểu An Phong đã phản ánh.
Theo ông Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường, trách nhiệm thuộc về 2 địa phương là TP Vinh và huyện Nghi Lộc. Với trách nhiệm của ngành, từ năm 2017 đến nay, Sở TNMT đã kiểm tra và cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo 2 địa phương này song việc xử lý đang gặp khó khăn nên chưa triệt để. Theo ông Võ Duy Việt, biện pháp sắp tới Sở TNMT sẽ tham mưu để UBND tỉnh chủ trì họp với TP Vinh và huyện Nghi Lộc, các ban ngành liên quan có biện pháp xử lý dứt điểm 100% nước thải trước khi xả ra môi trường.
Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Không phủ nhận hiệu quả kinh tế mà các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp mang lại, nhưng cử tri cho rằng, trong quá trình sản xuất nhiều cơ sở đang làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Nguyên nhân, do việc đầu tư manh mún, chắp vá, nhỏ lẽ trong việc phát triển cụm công nghiệp, không quan tâm đến chất thải, bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung song vẫn đi vào hoạt động khiến cho môi trường tại các cụm công nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần và mong muốn kỳ họp lần này đưa ra giải pháp triệt để.
Thành phố Vinh gia tăng các điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ trái phép
Cũng tại phiên thảo luận diễn ra sáng nay, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (Đơn vị bầu cử tại TP Vinh) cho biết, trước đây, trên địa bàn TP Vinh có 4 lò giết mổ gia súc tập trung tại Hưng Chính, Bến Thủy và Hưng Dũng. 4 điểm giết mổ tại phường Hồng Sơn, xã Nghi Phú và khoảng 180 cơ sở tại nhà dân, mỗi ngày cung cấp ra thị trường TP Vinh là trên 60 tấn thịt các loại. Ngoài ra, mỗi năm, tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ cung cấp ra thị trường khoảng 90 ngàn tấn thịt.
Theo bà Hiền, thời gian gần đây, 2 lò giết mổ tại Nghi Phú và lò giết mổ tập trung tại phường Bến Thủy ngừng hoạt động do ô nhiễm môi trường quá nặng. Do không có khu giết mổ tập trung nên thực trạng hiện nay giết mổ động vật tràn lan tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ và nhà dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đi kèm với đó là cơ quan thú y TP không kiểm soát được nên nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao, hàng ngày, người dân TP phải sử dụng thực phẩm chưa qua kiểm soát, chưa được vệ sinh thú y vì vậy nguy cơ mất ATTP rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước nhu cầu bức thiết cũng như bức xúc của người dân, nhiều năm qua, TP Vinh cũng đã tập trung chỉ đạo, tìm vị trí quy hoạch khu giết mổ động vật tập trung để đề nghị xây dựng, UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên, theo quy định, đề đảm bảo vệ sinh môi trường, lò giết mổ phải cách khu dân cư từ 500m trở lên vì thế các vị trí TP Vinh đề xuất không đáp ứng được yêu cầu. UBND TP đã có văn bản đề nghị quy hoạch đưa khu giết mổ gia súc tập ra khỏi địa bàn. Theo đại biểu Hiền, tại kỳ họp lần này, lãnh đạo Sở xây dựng trả lời là chưa tìm ra vị trí phù hợp vì thế cử tri băn khoăn liệu có được tỉnh và các ngành có quan tâm đến vấn đề này và đến bao giờ những kiến nghị bức xúc của người dânvà mới được giải quyết?
Liên quan nội dung này, kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị các ngành liên quan và TP Vinh trả lời bằng văn bản về những kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng như người dân.
Cũng liên quan đến lĩnh vực môi trường, thông qua thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu quy hoạch và kêu gọi các dự án xử lý rác thải theo vùng để đảm bảo tính bền vững, ổn định của các khu xử lý rác thải; Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để tập đoàn TH sớm hỗ trợ kinh phí nhằm hoàn thành việc di dời một số hộ dân ở sát các trang trại bò sữa bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Hay như việc ưu tiên bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 tại xã Minh Thành, huyện Yên Thành để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng.