Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chậm ban hành Nghị quyết, các địa phương lúng túng thực hiện sáp nhập xã

19:16, 10/12/2019
Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử các huyện: Yên Thành, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn đã tiến hành thảo luận tổ. Một trong những vấn đề trọng tâm là việc chậm trễ ban hành Nghị quyết về sáp nhập xã.

Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử các huyện: Yên Thành, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn đã tiến hành thảo luận tổ. Dự phiên thảo luận có đại diện các Sở, ban ngành và lãnh đạo địa phương.

Toàn cảnh cuộc thảo luận
Toàn cảnh cuộc thảo luận tổ 8.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của UBND tỉnh. Các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong năm 2019. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về mục tiêu thu ngân sách năm 2020 (15.216 tỷ đồng) sụt giảm so với năm 2018 (15.500) tỷ đồng. Theo đại biểu huyện Yên Thành Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, mục tiêu này quá an toàn.

Đại biểu Lê Xuân Đại nêu ý kiến tại buổi thảo luận.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng UBND tỉnh đã căn cứ vào tình hình thực tế. Cán cân thu – chi ngân sách cần phải được cân đối. Lấy ví dụ năm 2019, chi ngân sách của Nghệ An ước đạt 24.945,44 tỷ đồng, so với mức thu ngân sách của tỉnh, Trung ương phải bổ sung thêm nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên của tỉnh.

Liên quan đến việc triến khai các Nghị quyết sáp nhập xóm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Phan Tiến Hải nêu ý kiến: Đến nay chưa có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như thế là quá chậm. Chuẩn bị bước sang năm 2020, các xã nằm trong diện sáp nhập đang lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch năm và chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025.

1000
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Phan Tiến Hải nêu những khó khăn, vướng mặc trong thực hiện sáp nhập xã.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Sở, ban ngành cần có hướng dẫn cụ thể đến tất cả các lĩnh vực có liên quan về tổ chức, bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, ngân sách của các cơ quan, đơn vị phải sắp nhập; Bố trí cán bộ là Chủ tịch Ủy ban MTTQ và trưởng các đoàn thể cấp xã sau sáp nhập.

Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận, ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã đưa ra đề xuất trong công tác quản lý cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, địa phương được chọn làm thí điểm chương trình đưa Công an chính quy về xã. Thực hiện chủ trương này, huyện phải bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công an viên, công an không chính quy, theo đó phải chuyển số cán bộ dôi dư này sang vị trí công chức tư pháp, văn phòng thống kê... Hiện nay theo quy định, việc luân chuyển từ lực lượng công an không chính quy cấp xã sang công chức cũng phải xin ý kiến và phải được sự chấp nhận của Sở Nội vụ. Điều này sẽ khó cho cơ sở, vì vậy, đề nghị huyện được chủ động trong việc quản lý, bố trí công chức cấp xã.

Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nêu những bất cập trong công tác quản lý công chức cấp xã.
Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Hoàng Quốc Việt nêu những bất cập trong công tác quản lý công chức cấp xã.

Liên quan đến việc thu thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn huyện Tân Kỳ, ông Hoàng Quốc Việt phản ánh: Lâu nay nhiều doanh nghiệp ngoài huyện đến khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, sạt lún, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại nộp thuế tại địa bàn doanh nghiệp khai thuế. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đây là điều thiếu công bằng; đề nghị HĐND, UBND tỉnh và cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.  

Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa phát biểu tại buổi thảo luận.

Bày tỏ băn khoăn về tái cơ cấu trong nông nghiệp của tỉnh năm 2019 chưa thực sự mạnh, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa chỉ rõ: Việc triển khai mỗi xã một sản phẩm theo chương trình OCOP chưa đồng bộ; Thực trạng nông dân ở nhiều địa phương chỉ tập trung vào vụ Xuân gây lãng phí đất nông nghiệp; Các loại hình kinh tế tập thể như Hợp tác xã, tổ hợp tác… ở các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa liên kết các hội trong nông thôn để tạo thành tập thể mạnh, thúc đẩy thu nhập của người dân. Đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm, nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến: luật đầu tư công; bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng; chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và đặc thù; chất lượng thuốc tại các cơ sở y tế tuyến huyện; cơ chế chính sách cho người có công, người trực tiếp tham gia các hoạt động ở xóm, bản; các vấn đề xã hội như xâm hại trẻ em,di cư lao động không an toàn, tín dụng đen.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận tại buổi thảo luận.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận tại buổi thảo luận.

Kết thúc buổi thảo luận, ông Nguyễn Văn Đệ đánh giá cao các ý kiến đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu đẻ tổng hợp chuyển HĐND tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường.

Thùy Dương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm