TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần ưu tiên nguồn lực để phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An

17:15, 10/12/2019
Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phản ánh tại phiên thảo luận tổ 6 chiều 10/12.

Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Lang Văn Chiến - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, các đại biểu HĐND tỉnh tổ 6 gồm các đơn vị: Quỳ Châu, Quế phong, Quỳ Hợp thực hiện phiên thảo luận tổ. Tham dự phiên thảo luận có đ/c Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; đại diện HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Đ/c Lang Văn Chiến - Tổ trưởng nêu định hướng thảo luận tại tổ.

Kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An phát triển chậm 

Hầu hết các đại biểu phản ánh nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về GT, điện, nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất...tại vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS còn dở dang và hạn chế..

Đại biểu Vương Quang Minh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến để phát huy lợi thế của vùng miền Tây Nghệ An.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 6, đại biểu Vương Quang Minh – Quỳ Châu phản ánh mặc dù được kiến nghị nhiều lần tuy nhiên vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chưa được quan tâm quyết liệt. Đặc biệt là chuyển đổi chế biến lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến để phát huy lợi thế miền Tây Nghệ An. "Cho đến nay, KTXH miền Tây Nghệ An vẫn chưa có nhiều chuyển biến" - đại biểu Vương Quang Minh nhấn mạnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến để phát huy lợi thế của vùng miền Tây Nghệ An, đồng thời ưu tiên nguồn lực để quy hoạch phát triển du lịch và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trong đồng bào dân tộc " - ông Minh nói.

Kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An phát triển chậm.

Đồng tình quan điểm, ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng miền Tây phát triển chậm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục. Cho dù tỉnh đã có rất nhiều Đề án về phát triển miền Tây Nghệ An, song nguồn lực bố trí thấp (bao gồm cả nguồn lực từ TƯ, tỉnh). Đáng nói có những dự án xây dựng xong không được bố trí nguồn vốn. Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù để thu hút DN vào đầu tư trên địa bàn chưa có..

Người dân thu hoạch keo nguyên liệu.

Ngoài ra, nhiều dự án đã được giao đất giao rừng nhưng không triển khai đã ảnh hưởng tới việc đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.  Đơn cử tại Quế Phong dự án Inogreen đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm; hay như dự án Bất động sản Việt, cao su, Thanh Thành Đạt về trồng rừng ..tiến độ triển khai chậm hoặc hiệu quả thấp.

" Trước mắt để giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, đối với các dự án treo cần thu hồi đất bàn giao đất cho huyện để giao cho người dân sản xuất..Bên cạnh đó, đề nghị cần có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây" - ông Giáp kiến nghị.

   Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đề nghị cần có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây.

Cũng theo ông Giâp, đến nay chính sách tái định cư theo các Quyết định 64 và 06 vẫn chưa thực hiện, để nhân dân yên tâm sinh sống đề nghị tỉnh sớm triển khai các chính sách này, bố trí nguồn kinh phí cho việc thi công các công trình và hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế cho người dân vùng tái định cư.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Minh – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đánh giá thời gian qua việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa thỏa đáng. "Tỉnh cần tập trung đầu tư nguồn lực cho các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa nhất là trong xây dựng NTM" - ông Minh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề cấp điện lưới quốc gia, đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị các ngành chức năng cần làm rõ chỉ tiêu cấp lưới điện quốc gia cho 185 thôn bản trong năm 2019-2020, đến nay đã đấu nối được thêm thôn bản nào hay chưa?  Ông Lô Thanh Luận – ĐB huyện Quỳ Châu cũng phản ánh hiện Quỳ Châu còn 30 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, bao giờ sẽ được thực hiện?

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

"Sau khi bàn giao lưới điện nông thôn cho nhà nước hiện vẫn còn nợ người dân Quỳ Hợp hơn 18 tỷ đồng, đề nghị tỉnh xem xét giao trách nhiệm,  ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền này cho  người dân?" - ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cơ bản đồng tình báo cáo KT-XH năm 2020. Các đại biểu cho rằng năm 2019 nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh đạt và vượt, nổi bật như giá trị sản xuất công nghiệp, diện tích trồng rừng mới, đặc biệt là sản lượng khai thác gỗ..cho thấy sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đình Minh, một số chỉ tiêu còn đánh giá chung chung, cần làm rõ một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng chưa bền vững; Tiến độ triển khai các dự án chậm... cần làm rõ dự án nào chậm, đã thu hồi được bao nhiêu dự án treo?

Đại biểu Nguyễn Đình Minh – Quỳ Hợp nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Vương Quang Minh – Quỳ Châu băn khoăn về tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn cao. Nếu như năm 2016 nợ đọng thuế là 791 tỷ đồng  thì đến năm 2019 con số này đã lên tới 1.229 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu tăng nhanh và chiếm xấp xỉ 50%. Ông Minh cũng cho rằng nếu như năm 2018 thu ngân sách đạt 14.000 ngàn tỷ đồng, năm 2019: thu 15.550 tỷ đồng, vậy tại sao kế hoạch phát triển KTXH 2020 đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách thấp hơn là 15.216 tỷ đồng.

"Cần tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, có giải pháp hiệu quả để nuôi dưỡng nguồn thu và chấn chỉnh nợ đọng thuế" - ông Minh đề nghị.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Quỳ Hợp đề nghị xem xét bổ sung chi tiêu số huyện đạt Nông thôn mới năm 2020. 

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Quỳ Hợp cho rằng năm 2019 toàn tỉnh đạt 16,1 tiêu chí NTM, có 4 huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu năm 2020 lại không có đơn vị cấp huyện (mà chỉ có cấp xã, tối thiểu 30 xã). "Đề nghị xem xét bổ sung chi tiêu số huyện đạt Nông thôn mới năm 2020" - bà Sinh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùnng cho rằng xây dựng NTM còn nhiều bất cập. Theo đó, những đơn vị đủ điều kiện đã đăng ký và được hưởng các chế độ như xi măng, hỗ trợ tiền thưởng đã về đích. Còn lại những "xóm nghèo, xã nghèo" không đủ điều kiện rất khó về đích NTM, vì vậy, đề nghị UBND có cơ chế cho các đơn vị còn lại được vay xi măng để làm NTM.

Theo đại biểu Lô Thị Kim Ngân chỉ tiêu giảm nghèo ở miền Tây đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tuy nhiên cần bố trí nguồn lực để thúc đẩy KTXH miền Tây phát triển.

Ngoài ra, các đại biểu cũng phản ánh về công tác đảm bảo TTATGT chưa được xử lý triệt để; hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn còn diễn ra, đặc biệt là pháo nổ..đề nghị UBND tỉnh và các ngành cần phải có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng này. Cần đẩy mạnh cải cách hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị ngành y tế có báo cáo cụ thể về chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.  

Đại diện sở TNMT cho biết từ năm 2014-2019 tỉnh thu hồi 95 dự án, trong đó có 18 có Quyết định cho thuê đất, còn lại 77 dự án hủy bỏ giấy chứng nhận đầu tư và bỏ quy hoạch. Mỗi năm kiểm tra trên dưới 100 dự án.
Đại diện sở y tế giải trình về tỷ lệ bác sỹ tại
Đại diện sở y tế giải trình về Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ.
Đại diện sở NN&PTNT giải trình tại phiên thảo luận tổ.

Tại phiên thảo luận tổ, các sở, ngành TNMT, Công Thương, Nông nghiệp, Sở Nội vụ, Sở y tế đã tiếp thu và giải trình thêm các nội dung liên quan các đại biểu nêu.

Đồng chí Lang Văn Chiến ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu.

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lang Văn Chiến ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng mai 11/12.

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm