Chủ động các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản phát triển hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng; đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện UBND các tỉnh, thành phố; đại diện sứ quán các nước Nga, Úc và trên 300 đại biểu từ các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản trong nước.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Đây là Hội nghị lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm qua về lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản. Thông qua Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020 trước những khó khăn, thách thức; nhất là sự tác động của dịch Covid-19; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phát triển bền vững, hiệu quả.
Xuất khẩu lâm sản tăng ấn tượng, xuất siêu kỷ lục 12,6 tỷ USD
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh từ năm 1990, sau khi Việt Nam giải quyết căn bản vấn đề lương thực đã dồn sức cho công tác chăm lo phát triển rừng nói riêng, hệ sinh thái kinh tế lâm nghiệp nói chung. Từ đó đến nay, chúng ta đã chăm lo phát triển, hình thành một hệ sinh thái kinh tế rừng khá căn bản. Đến nay chúng ta đã có trên 600 nghìn ha rừng. Đây là một cố gắng vượt bậc.
Bên cạnh đó, thể chế pháp luật, chiến lược cho phát triển công tác rừng và kinh tế rừng, từ 1972 được chỉ đạo hoạt động bằng Pháp lệnh, đến năm 1991 được nâng lên thành Luật, 2004 sửa Luật và đến năm 2017, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Luật Lâm nghiệp, thể hiện tầm nhìn đầy đủ hơn, khái quát một ngành hàng phát triển kinh tế rừng, tập trung công tác chế biến cho đến tổ chức thương mại, hình thành ngành kinh tế khép kín. Đến năm 2018 Việt Nam hợp tác Liên minh châu Âu, thể hiện sự chủ động trong ngành kinh tế lâm nghiệp.
Các đại biểu tham dự. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết: Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam bắt đầu từ con số 0, đến nay có 5.600 doanh nghiệp tập trung công tác chế biến. Năm 2000, Việt Nam bắt đầu bước chân vào thương trường thế giới, xuất khẩu 200 triệu đô. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 3,7 tỷ USD gỗ và đồ gỗ. Gần 10 năm sau, Việt Nam xuất khẩu 11,3 tỷ USD gỗ và đồ gỗ cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, mỗi gia đình HTX không chỉ chăm lo rừng mà còn chế biến gỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham quan các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu trưng bày tại triển lãm “Kết nối thành tựu 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam”. |
Năm nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 làm đứt gãy cung - cầu, trong đó có ngành chế biến gỗ, nhưng Việt Nam khắc phục khó khăn, năm nay kim ngạch xuất khẩu lâm sản khả năng vẫn cán đích 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.
'Ngành gỗ Việt Nam phấn đấu năm 2021 quyết tâm cao với mục tiêu chế biến xuất khẩu gỗ trị giá 14 tỷ USD, đến năm 2025 phấn đấu đạt 20 tỷ USD. Đây cũng chính là nội dung tổ chức hội nghị hôm nay để bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản giai đoạn 2021 - 2025" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UEA… Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cung với đó, các Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), EVFTA và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.
Các đại biểu tham dự. |
Trong giai đoạn 2021 – 2025 định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. |
Tiếp tục phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đảm bảo cung cấp tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; Duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và vườn cây cao su thanh lý với sản lượng gỗ từ 7-10 triệu m3/năm; Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD, tăng từ 10-11% so với năm 2020, và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.iv)Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Tăng dần tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.
Nghệ An quyết tâm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có trên 965.000 ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng trồng hơn 180.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%; trữ lượng gỗ trên 91 triệu m3, trong đó, trên 9,6 triệu m3 gỗ rừng trồng; trên 1,94 tỷ cây tre, mét; có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển nhiều loại cây dược liệu quý như: sâm Puxailaileng, Mú từn, trà hoa vàng và các loại cây nguyên liệu làm hàng thủ công, mỹ nghệ, như song, mây...; sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm thời gian gần đây đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3, sản lượng có khả năng khai thác bình quân hàng năm khoảng trên 2,5 triệu m3.
Rừng săng lẻ trên địa phận xã Tam Đình, huyện Tương Dương. |
Vừa qua, Đề án “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An”đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351 ngày 03/10/2020 của Văn phòng Chính phủ. Đề án có chức năng: Trung tâm sản xuất giống và khu rừng trồng khảo nghiệm, trình diễn, trồng rừng thâm canh, trồng cây dược liệu lâm sản ngoài gỗ; Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao; Sàn giao dịch. Qua đó, thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Các đại biểu tham dự. |
Với sự hỗ trợ và quan tâm của Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, tỉnh Nghệ An quyết tâm tạo bước đột phá cũng như thúc đẩy ngành lâm nghiệp và đặc biệt là sản xuất chế biến gỗ của khu vực Bắc Trung Bộ phát triển một cách mạnh mẽ, đưa Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả Miền Trung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cũng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Nghệ An nói chung và đặc biệt là đầu tư vào Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An nói riêng. Tỉnh Nghệ An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Cùng với đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045, các chương trình đề án, liên quan. Trong đó, chú ý quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp phải trên cơ sở tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và phải quy hoạch các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Xác định cơ cấu hợp lý giữa nguyên liệu gỗ nhập khẩu và nguyên liệu gỗ trong nước; Phát triển các cơ sở chế biến sâu để đáp ứng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sự cạnh tranh trong khâu chế biến.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy mô và tiềm lực tài chính, công nghệ với vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo ra lực lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản Việt Nam phát triển, có chất lượng.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo các địa phương phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn, phấn đấu đến 2025 đạt 1 triệu ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng 80% nguyên liệu gỗ trong nước; Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là từ đây đến năm 2025 cả nước trồng 1 tỷ cây xanh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ bất hợp pháp, xử lý nghiêm tình trạng gian lận thương mại.
Ra mắt Quỹ Việt Nam xanh. |
Nằm trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An; Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức trưng bày, triển lãm với chủ đề “Kết nối thành tựu 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam” tại TP Vinh. và ra mắt Quỹ Việt Nam xanh.