Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý: Cần phải xác định nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trình bày dự thảo Nghị quyết. |
Theo đánh giá, chất lượng giáo dục toàn diện của Nghệ An chưa cao, không đồng đều giữa các vùng miền, còn có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng thuận lợi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh… Do đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An với quy mô hợp lý; có đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục tốt, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học; phát triển năng khiếu sở trường, kỹ năng sống, kỹ năng toàn cầu, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của con người xứ Nghệ cho học sinh; rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền; đưa chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ; phấn đấu đến năm 2030, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi góp ý vào dự thảo Nghị quyết. |
Để Nghị quyết có thể triển khai hiệu quả, các ý kiến góp ý đề nghị cần có cơ chế đặc thù thu hút lực lượng giáo viên môn tiếng Anh, tin học lên vùng cao làm việc. Đi cùng Nghị quyết là làm rõ nguồn lực ưu tiên để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết mới chú trọng đến chuyên môn của giáo viên, kiến thức văn hoá, kỹ năng sống của học sinh. Bền vững với miền núi, với học sinh vùng dân tộc thiểu số là phải chú trọng tổ chức để các em có thể vừa học, vừa lao động, chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt cộng đồng. Song hành với đó, cũng cần xem xét lại hệ thống đào tạo nghề, bởi cùng với quá trình đào tạo văn hoá thì có thể sớm giúp phân luồng đào tạo nghề cho học sinh. Đây là cách làm bền vững cho đồng bào xoá nghèo.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý phát biểu kết luận. |
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Giáo dục toàn diện bao gồm giáo dục về kiến thức, phẩm chất, trí, thể, mỹ, trang bị kiến thức, kỹ năng sống. Bởi vậy, trong giải pháp cần phải thật cụ thể cho từng nội dung và có sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, cùng với đào tạo về kiến thức, cần nghiên cứu để đi sâu vào nội dung giáo dục kỹ năng, đạo đức. Vấn đề rất quan trọng theo Bí thư Tỉnh ủy là cần phải xác định nguồn lực triển khai thực hiện Nghị quyết, nếu nguồn lực không rõ thì Nghị quyết thiếu tính khả thi.
Cùng với vận dụng tốt các đề án, chủ trương của Trung ương, Bộ, ngành, thì mô hình xã hội hóa để cả xã hội cùng chung tay đầu tư vào cơ sở vật chất là việc cần được khuyến khích, đẩy mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, để phát triển giáo dục và đào tạo tại khu vực miền núi và dân tộc thiểu số, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các huyện chú trọng thu hút xây dựng mô hình trường THCS bán trú. Trong đó, quan tâm đến vấn đề quy hoạch dành quỹ đất phù hợp để có không gian cho các em học sinh vừa học, vừa làm, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, Nghị quyết này mới chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục toàn diện, vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, ban hành Đề án phát triển riêng cho giáo dục khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung nguồn lực thực hiện, hỗ trợ cho Nghị quyết thành công.