Giám đốc Công an tỉnh dự báo tình hình tội phạm ma túy sẽ còn tiếp tục tăng
Chiều 11/12, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn ngành công an về tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp.
Tham dự kỳ họp có các ông: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các ông, bà trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp.
Giảm 58/70 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy
Sau báo cáo của ông Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu về tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để khắc phục thực trạng này, tại phiên làm việc, trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn Giám đốc công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu.
Đại biểu Hoàng Thanh Bình (TP Vinh) chất vấn giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan phòng chống ma túy đã giải quyết các điểm nóng ma túy (58 phường, xã), trong đó có nhiều vụ án lớn. Tuy nhiên, hành vi mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đang còn xảy ra nhiều, có nguy cơ gia tăng ở các địa bàn khác. Ông Bình đề nghị ngành công an đánh giá rõ rơn và có tiên lượng về vấn đề này. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá tăng mạnh, công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội còn lỏng lẻo, nguyên nhân và giải pháp để khắc phục thực trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thanh Bình, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác truy quét tội phạm ma túy. Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh giảm loại tội phạm này, Công an tỉnh đã tập trung vào các vấn đề: Tổ chức lực lượng chuyên trách bắt đồng loạt các đối tượng, các tụ điểm buôn bán ma túy để sạch địa bàn, bắt giam và xử lý hình sự; Phối hợp với ngành Thương binh – Xã hội đưa tất cả người nghiện ma túy tại địa phương tập trung cai nghiện; Củng cố hệ thống chính trị để làm sạch địa bàn, không để tái diễn phức tạp; thường xuyên giám sát và tư vấn giúp chính quyền địa phương giữ vững địa bàn. Trong những năm qua, cơ quan chức năng đã làm giảm tính phức tạp của 58/70 địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh.
Giải trình về thực trạng giảm địa bàn này, gia tăng ở địa bàn khác, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, khi các tỉnh Nghệ An đánh mạnh, các đối tượng lại tràn ra khu vực biên giới. Khi tấn công vũ trang khu vực biên giới, nhóm tội phạm này tràn vào Nghệ An. Bộ Công an nhận định, phải giải quyết vấn đề này đồng loạt ở tất các các tỉnh. Ngay vừa rồi, Công an tỉnh đã triển khai các đợt truy quét tội phạm ở tất các các địa bàn biên, đã tiêu diệt một số đối tượng nên vấn đề buôn bán ma túy khu vực biên giới Nghệ An cơ bản giảm được. Tuy nhiên, đánh ma túy đầu này lại tràn ra đầu khác, đây là quy luật ở đâu nương tay, ở đó nó sẽ tràn đến. Người đứng đầu Công an tỉnh cho biết sẽ lưu ý vấn đề này.
Có tình trạng điều chế ma túy trên địa bàn
Đại biểu Trần Xuân Quang (Nghi Lộc) nêu câu hỏi theo báo cáo, kết quả đấu tranh của năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và số vụ ma túy bị bắt giữ. Dư luận băn khoăn tại sao lực lượng chức năng đánh mạnh như vậy, số lượng ma túy ngày càng tăng về số lượng và số vụ án tràn vào sâu trong địa bàn tỉnh. Từ thực trạng này, đại biểu đặt câu hỏi, liệu có tình trạng lực lượng chức năng buông lỏng công tác quản lý, xử lý hay không? Có thể đặt giả thiết ma túy đang được sản xuất trên địa bàn Nghệ An hay không?
Đại biểu Trần Duy Ngoãn chất vấn người đứng đầu công an tỉnh: Hiện các cơ sở vui chơi giải trí, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như vũ trường, nhà hàng, quán bar, karaoke trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy trong các cơ sở đó. Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh thông tin về công tác quán lý các cơ sở này và các biện pháp quản lý trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, tướng Cầu đã công bố số liệu: Từ 2012 – 2015, trung bình mỗi năm Nghệ An phát hiện khoảng 907 vụ; Giai đoạn 2016 đến nay, bình quân phát hiện 1.231 vụ. Tính cơ học, trung bình giai đoạn trước đến giai đoạn sau tăng 325 vụ về ma túy. Số đối tượng phát hiện tăng thêm 310 người và lượng ma túy tăng thêm 4 lần. Năm 2012, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng bắt 871 vụ, đến năm 2019 đã bắt 1.501 vụ, tăng gần gấp đôi. Đây là con số rất đáng buồn.
“Tại sao chúng ta đấu tranh mạnh như vậy nhưng số vụ và số lượng ngày càng tăng, phải chăng chúng ta làm việc này không có hiệu quả? Như đã phân tích, chúng ta đấu tranh bắt được nhiều tội phạm là thành tích nhưng mặt trái thế hiện vấn đề tiêu cực. Chúng tôi cho rằng nếu không bắt được số vụ, số đối tượng này, trật tự xã hội của Nghệ An còn xấu hơn nữa, đồng thời cho thấy chúng ta cần phải quyết tâm hơn nữa trong thời gian tới”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Liên quan đến vấn đề này đại diện BĐBP tỉnh cho biết phối hợp với lực lượng công an phát hiện trên 743 kg ma túy đá tổng hợp và một số loại khác. Trong quá trình đấu tranh, ngoài công tác tổ chức của lực lượng biên phòng, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của 3 tỉnh, Bo-ly-khămxay, Xiêng Khoảng, CHDCND Lào xác lập ban chuyên án để điều tra xác minh các đối tượng, đường dây vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới về.
Lý giải nguyên nhân số vụ và số lượng ma túy tăng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Ma túy phần lớn thẩm lậu từ biên giới Lào vào Nghệ An. Với đường biên giới dài 468km, địa hình hiểm trở nên lực lượng phòng chống ma túy hải quan, biên phòng không kiểm soát nổi. Gần 80% lượng ma túy thẩm lậu vào địa bàn Nghệ An; Giá thành ma túy ngày càng rẻ do việc sản xuất ma túy rất dễ, giá thành rẻ. Trước đây một bánh heroin có giá khoảng 250 triệu, nay giá chỉ khoảng 150 triệu/bánh; Tỉnh gần khu vực tam giác vàng – trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới. Hiện Thái Lan đã cho hợp thức hóa cần sa, Lào cũng đang chuẩn bị cho việc hợp thức hóa cần sa. Lợi nhuận siêu khủng khiến cho việc vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp hơn nhiều, đây là một thực tế. Bên cạnh đó, công tác quản lý người nghiện ma túy, ý thức trách nhiệm của các cơ quan phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cũng dự báo tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng đến ngưỡng bão hòa rồi giảm dần. Quyết tâm đấu tranh loại tội phạm này dù tăng, bởi đây là loại tội phạm ẩn, xã hội sẽ trực tiếp gánh chịu hậu quả.
Trước câu hỏi có xuất hiện điều chế ở Nghệ An hay không, tướng Cầu khẳng định có nhưng không nhiều. Thực tế lực lượng chức năng đã bắt 3-4 vụ điều chế ma túy trên địa bàn tỉnh nhưng số lượng không lớn. Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, 80% lượng ma túy xâm nhập vào địa bàn Nghệ An vẫn qua biên giới Lào. Để giải bài toán ngăn chặn kịp thời các vụ vận chuyển ma túy từ đường biên giới cực kỳ khó khăn.
Cai nghiện tự nguyện - “Bắt cóc bỏ đĩa”
Về vấn đề người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, Giám đốc Công an tỉnh thông tin, toàn tỉnh hiện có 6.832 người nghiện ma túy và 1.544 người nghi nghiện có hồ sơ kiểm soát. Đối tượng sử dụng ma túy rất trẻ và ngày càng phát sinh các loại tội phạm.
“Công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội là bài toán nan giải”, tướng Cầu nhấn mạnh. Nếu để những đối tượng này ngoài xã hội càng nhiều thì khả năng gây án ngày càng lớn, đặc biệt án về ma túy, cướp giật, giết người". Tướng Cầu lấy ví dụ, đối tượng H ở phường Hồng Sơn, TP Vinh có dấu hiệu ngáo ma túy đá đã bế con lên mái nhà… Chúng tôi cũng kiến nghị tại Quốc hội, HĐND tỉnh tăng cường đưa những đối tượng này vào cơ quan cai nghiện. Nếu cai tại cộng đồng sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người nói rằng cần phải giảm cai nghiện tại trung tâm nhưng quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng không thể giảm, cần đầu tư nâng cấp để tiếp tục quản lý sự phức tạp ngoài xã hội, nếu không không thể làm được. Công an tỉnh sẵn sàng tham mưu và xử lý vấn đề này trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề cai nghiện và tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới, ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã giải trình thêm về vấn đề này. Theo ông Giáp địa bàn huyện Quế Phong là trọng điểm về ma túy với 4 tụ điểm về ma túy, 28 điểm bán lẻ về ma túy. Năm 2019, tỉnh giao 78 trường hợp bắt buộc cai nghiện, huyện Quế Phong đã đưa 80 đối tượng vào quản lý cai nghiện tập trung. Cạnh đó, UBND huyện đã tham mưu đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác PCMT, quan tâm giải quyết vấn đề việc làm cho người nghiện sau cai, hàng năm công an huyện có kế hoạch cụ thể về công tác PCMT. Tuy nhiên, là địa bàn biên giới, các đối tượng bên Lào cấu kết với các đối tượng nghiện đưa ma túy qua địa bàn Quế Phong xâm nhập vào nội địa. Nhiều thanh niên không có việc làm bị lôi kéo. Để hạn chế tình trạng này, huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về PCMT.
“Chỉ tiêu hàng năm tỉnh giao 78 đối tượng đưa vào cai nghiện tập trung, trong khi số lượng con nghiện trên địa bàn huyện là 563 trường hợp có hồ sơ quản lý, ngoài ra nhiều trường hợp chưa có hồ sơ quản lý. Vì vậy, huyện mong muốn cơ sở cai nghiện được tăng thêm chỉ tiêu, đồng thời đưa những trường hợp có tính chất phức tạp chuyển xuống tỉnh và thay thế những trường hợp khác vào cai nghiện” – ông Giáp đề xuất.
Về ý kiến của ĐB Tô Xuân Thu hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện thấp, tướng Cầu cho biết hiện nay thuốc chữa không có, chỉ có thuốc cai, việc tái nghiện phụ thuộc ý chí nghị lực người nghiện, công tác cai nghiện chủ yếu giảm tác hại của ma túy. Theo thống kê phần lớn là tái nghiện. Ông Cầu cũng đề nghị cần nâng cấp 8 cơ sở cai nghiện tập trung của tỉnh Nghệ An.
Giải trình thêm về vấn đề này, ông Đòan Hồng Vũ – Giám đốc sở LĐ-TBXH cho biết đã tổ chức cai nghiện theo 4 hình thức, đã thực hiện khá tốt công tác dạy nghề và truyền nghề cho đối tượng, đảm bảo an toàn cho các đối tượng cai nghiện. Giám đốc sở LĐ-TBXHcũng cho biết tỷ lệ tái nghiện còn cao khoảng 55%. Số đã đưa vào cai nghiện tập trung sau khi trở về cộng đồng hầu hết tái nghiện. Nguyên nhân chủ yếu sau khi tái hòa nhập cộng đồng nhưng việc làm lại không có, cơ sở vật chất cơ sở cai tập trung còn ít. Về giải pháp sắp tới Sở đang đề nghị tỉnh nâng quy mô 8 cơ sở cai nghiện trong toàn tỉnh từ 1700 đối tượng lên 2500 đối tượng. Dù chưa được tăng cường CSVC và nhân lực theo Thông tư 25.
“Hiện nay CSVC các trung tâm cai nghiện đã xuống cấp, nhất là huyện Tương Dương với quy mô 200 đối tượng nhưng sắp tới sẽ điều chỉnh lên 300, trong khi CSVC chỉ đáp ứng cai được 119 đối tượng. Hay như Nghĩa Đàn quy mô là 200 đối tượng nhưng sẽ chuyển đổi lên 500 đối tượng. Khó khăn nhất là chưa có kinh phí chuyển đổi. Cạnh đó, trang thiết bị dụng cụ cai nghiện còn thiếu, nhân lực thiếu, kinh phí chưa kịp thời và đầy đủ” - Giám đốc sở LĐ-TBXH nói.
Cần sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về PCMT
Đại biểu Lê Thị Vinh (Nghĩa Đàn) cho rằng: Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc chiến rất khó khăn, gian nan. Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh và các huyện đã rất nỗ lực đấu tranh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tuy nhiên thực tế tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, xuất hiện tội phạm ma túy quốc tế khiến cho công tác đấu tranh diễn ra càng khố liệt. Vậy chính sách và việc tạo điều kiện cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách này hiện đã thỏa đáng chưa? Thời gian tới cần tiếp tục giải quyết vấn đề gì?
Trả lời ĐB Lê Thị Vinh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Luật phòng chống ma túy ra đời năm 2000 và có sửa đổi vào năm 2008. Hơn 15 năm đấu tranh phòng chống ma túy đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế cần sửa đổi. Bộ Công an, Chính phủ đã có chủ chương sửa đổi Luật phù hợp với thực tiễn và trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Từ góc độ của đại biểu và cá nhân Nghệ An, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đã chỉ ra một số vướng mắc trong luật cần điều chỉnh: Phải đánh giá thật chính xác thái độ đối với người nghiện ma túy, có chính sách rõ ràng đối với người nghiện. Trước đây người nghiện ma túy được quy định là tội phạm trong Luật hình sự đưa ra truy tố xét xử, sau đó thay đổi nhận thức coi người nghiện là người bệnh. Vì vậy ranh giới giữa tội phạm và bệnh nhân cần phải có quan điểm rõ ràng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, không phải tất cả người nghiện ma túy đều gây ra tác hại nhưng người nghiện ma túy đã được cai ra ngoài xã hội tái nghiện mà chúng ta không có thái độ rõ ràng là không đúng. Đối với đối tượng nghiện ma túy gây mất an ninh trật tự mà không mạnh tay xử lý là không đúng. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức lại lực lượng đấu tranh và tăng nguồn lực cho lực lượng này. Đối với đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện cũng cần có điều chỉnh phù hợp. Từ số liệu thực tế cho thấy, tỷ lệ thành công của cai nghiện bắt buộc cao hơn tự nguyện. Đồng thời, cũng cần đồng bộ hệ thống pháp luật phòng chống ma túy; có chế tài xử lý những đơn vị, tổ chức nào thờ ơ để cho tội phạm ma túy hoành hành phức tạp, không xử lý được.
Đại biểu Thái Thị An Chung đặt vấn đề: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu có nói một trong những nguyên nhân hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm ma túy còn có sự chia cắt trong tổ chức lực lượng và địa bàn đấu tranh. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống ma túy ngày càng thu hẹp. Lực lượng chuyên trách tại các địa bàn trọng điểm mỏng và chưa đáp ứng yêu cầu. Ở Nghệ An có sự việc này không, nếu có hướng giải quyết như thế nào?
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, địa bàn biên phòng công an không vào được, đánh án khu vực biên giới lực lượng công an lúc hỗ được lúc không, vì vậy không nên chia cắt địa bàn để đảm bảo đấu tranh. Bên cạnh đó, lực lượng phòng chống ma túy mỏng. Hiện Công an tỉnh chỉ có 1 phòng phòng chống ma túy và 2 đội điều tra tội phạm ma túy chuyên trách (Công an TP Vinh và Công an Diễn Châu).
Về nguồn kinh phí hỗ trợ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết mức hỗ trợ hiện tại cần tăng cường để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu cũng như ông Giám đốc Công an tỉnh. Đ/c cũng đồng tình cao đối với báo cáo giải trình thêm của các lãnh đạo sở ban ngành và UBND huyện.
Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những sự nỗ lực của các ngành, đơn vị địa phương, nhất là lực lượng chuyên trách đã lập những chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh PCMT.
Đ/c Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh Nghệ An vẫn là địa bàn trọng điểm về ma túy và nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyeern về ma tuy của cả nước, đặc biệt xu hướng ma túy tổng hợp gia tăng, tuy nhiên công tác đấu tranh PCTP và tệ nạn ma túy vẫn chưa đáp ứng như mong muốn. Qua chất vấn, Chủ tịch HĐND nhận thấy các chính sách pháp luật về PMT còn bất cập. Do đó, các cấp, các ngành không khoán việc này cho lực lượngCA, biên phòng, hải quân mà phải coi đây là nhiệm vụ chung, đưa vào tiêu chí xem xét đánh giá các tổ chức, và phát động phong trào toàn dân tham gia PCMT.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo về ma túy. Đặc biệt quan tâm đối tượng thanh thiếu niên, các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao, phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền.
Cùng với đó lực lượng công an cần phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách làm tốt hợp tác quốc tế, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng, đường dây, điều tra truy tố xét xử nghiêm minh đúng pháp luật, kiểm soát tốt biên giới cửa khẩu, để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị phải nâng cao hiệu quả cai nghiện. HĐND sẽ có cuộc giám sát tại các cơ sở cai nghiện, đánh giá lại để đề nghị nâng cấp củng cố mở rộng quy mô đáp ứng công tác cai nghiện tập trung, XHH cai nghiện, quan tâm công tác đào tạo nghề và GQVL sau cai.. quản lý tốt các đối tượng nghiện ngoài xã hội. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần quan tâm quản lý các tiền chất ma túy, không để xảy ra việc sản xuất ma túy trên địa bàn tỉnh. Sau kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành văn bản để có cơ sở thực hiện, các ngành, các cấp và các địa phương tích cực thực hiện và giám sát để thực hiện có hiệu quả nội dung này.