Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phát động giải báo chí viết về đề tài thảm họa da cam khu vực Bắc miền Trung lần thứ nhất

18:12, 16/06/2020
Chiều 16/6, tại TP Vinh (Nghệ An), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Synot Asean và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chức năng của tỉnh, tổ chức Lễ phát động hưởng ứng cuộc thi Giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” ở khu vực Bắc miền Trung.

Dự lễ phát động có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Đại tá Trần Đình Đích – Tổng Biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam, Phó trưởng Ban tổ chức, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi; Ông Đinh Viết Hồng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PTTH Nghệ An; Ông Nguyễn Như Ý – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Synot; đại diện Cục Chính trị Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ban ngành, các cơ quan chức năng, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí của TW thường trú tại Nghệ An, 6 tỉnh Bắc miền Trung.

Các đại biểu dự lễ phát động.
Các đại biểu dự lễ phát động.

Giải báo chí với đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất, năm 2020-2021 là một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021).

Toàn cảnh lễ phát động.
Toàn cảnh lễ phát động.

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, gây nên thảm họa khủng khiếp cho sức khỏe con người và môi trường của Việt Nam. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 30.000 đối tượng nhiễm chất dộc da cam.

Đa số các nạn nhân chất độc da cam đều gặp những hoàn cảnh éo le và đặc biệt khó khăn. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ, hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật, đời sống thực vật; nhiều gia đình có từ 2 đến 4 người là nạn nhân. Do bệnh tật, dẫn đến đói nghèo nên nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.  

Một tiết mục văn nghệ tại lễ phát động.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ phát động.

Thông qua cuộc thi nhằm góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân, nhất là thế hệ trẻ về Thảm họa da cam, nỗi đau của nhân dân Việt Nam và nạn nhân chất độc da cam, trong cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc thi không chỉ khẳng định vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, mà còn góp phần để các cấp, ngành, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế hiểu thêm về thảm họa da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc khắc phục hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người ...

“Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh tàn khốc này. Đó là một thực tế khiến mỗi chúng ta đau đớn, day dứt. Hiện thực đó chính là đề tài cho các nhà văn, nhà báo, các CTV khai thác, phản ánh. Thông qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng chia sẻ, chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa, để họ có thêm sự động viên về vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ thêm.

Ông Đinh Viết Hồng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An

Tại buồi lễ, ông Đinh Viết Hồng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An chia sẻ thêm: Trong cuộc đấu tranh chống nước Mỹ xâm lược, hàng nghìn con em các dân tộc của Nghệ An tham gia chiến đấu. Hiện Nghệ An có hơn 30.000 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Hiện mới chỉ có 14.978 người được hưởng chế độ người có công với Cách mạng do vướng mắc trong giấy tờ. Mong thời gian tới được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, đoàn thể giúp các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin vươn lên trong cuộc sống.

Nhà báo Phạm Thuỳ Vinh - Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An - Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam đại diện phát biểu hưởng ứng cuộc thi: Những nhà báo, những người cầm bút nói chung sẽ hưởng ứng cuộc thi bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm, sự chia sẻ của mình. Những nhà báo khu vực Bắc miền Trung sẽ hưởng ứng cuộc thi này bằng tất cả sự tâm huyết bởi dải đất này cũng là dải đất chất chứa nhiều đau thương, mất mát nhất của cuộc chiến tranh. 

Tại lễ phát động, Tập đoàn Synot Asean đã trao quà cho 8 gia đình có nạn nhân chất độc da cam đang gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Như Ý – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn SYNOT ASEAN trao quà cho các gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam tặng hoa cảm ơn Tập đoàn SYNOT ASEAN.

Thể lệ giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học | do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, Lần thứ I, năm 2020 - 2021:

I. NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU

1. Nội dung

- Phản ánh hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam;

- Các vấn đề trong đời sống của nạn nhân, những tấm gương vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng;

- Công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các nhà hảo tâm;

- Công tác củng cố, xây dựng Hội NNCĐDC/dioxin; việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam;

- Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC; nhất là các vụ kiện đòi các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam.

2. Yêu cầu

- Các tác phẩm tham gia Giải phải phản ảnh khách quan, chân thực, chính xác, người thật, việc thật, không hư cấu; có tính phát hiện, tổng kết nêu gương, định hướng tư tưởng, có tính thuyết phục và đạt hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc, giúp đở , bảo vệ NNCĐDC;

- Các tác phẩm dự thi: gửi nguyên bản gốc hoặc photocopy trên giấy khổ A4, dung lượng không quá 1500 từ; ghi rõ tên bài và thời gian đăng tải (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Độ dài tác phẩm không quá 5 kỳ;

- Tác phẩm được xét trao giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

1. Các thể loại và loại hình báo chí được xét trao thưởng gồm: a. Loại hình: Báo in, báo điện tử.

b. Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra.

2. Tác phẩm dự Giải, nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Hội đồng Giải sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Ban Tổ chức không trả lại tác phẩm dự Giải và được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.

4. Hồ sơ dự Giải:

a. Sơ yếu lý lịch của tác giả gồm: họ và tên, bút danh, năm sinh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại, E-mail.

b. Bản giới thiệu tóm tắt về tác phẩm ,

c. Các tác phẩm báo in và báo điện tử phải đồng thời gửi file vào địa chỉ email: tapchidacam@gmail.com để Hội đồng Giải thuận tiện trong việc quảng bá tác phẩm; Điện thoại liên hệ: Máy cơ quan 0246.265.2654; Đại tá Chu Đình Út 0916.751.952

III. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI

1. Tác phẩm báo chí được xét chọn và trao Giải thưởng báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, lần thứ I, năm 2020 - 2021 là những tác phẩm bằng tiếng Việt được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 01/1/2020 đến ngày 30/3/2021.

2. Mỗi tác giả được lựa chọn gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu để tham dự Giải. | 3. Những tác phẩm đã được trao giải ở các cuộc thi khác (đủ điều kiện) vẫn được quyền dự Cuộc thi viết “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, lần thứ I, năm 2020 - 2021; nhưng phải ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.

IV. ĐỐI TƯỢNG DỰ GIẢI”

1. Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; đội ngũ cán bộ hội các cấp, hội viên Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam; Các hội: Cựu chiến binh Việt Nam; Cựu Thanh niên xunh phong Việt Nam; Chữ Thập đỏ Việt Nam; Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam; Người mù Việt Nam; Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, có tác phẩm báo chí với nội dung như trên đều có thể gửi về dự Giải.

2. Các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên, đơn vị thành viên viết bài tham dự Giải.

V. THỜI GIAN VÀ ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM DỰ GIẢI

1. Các tác phẩm viết trong khoảng thời gian từ 01/01/2020 đến 30/3/2021 được đưa vào xét giải thưởng.

- Từ ngày 01/01/2021 đến 30/3/2021 (theo dấu bưu điện) sẽ tiếp nhận tác phẩm báo chí tham dự Giải;

2. Nơi nhận tác phẩm và hồ sơ xét thưởng:

- Tạp chí Da cam Việt Nam, số 35, đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi rõ: Tác phẩm báo chí dự thi Giải thưởng báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, Lần thứ I, năm 2020 - 2021. 

VI. GIẢI THƯỞNG

1. Kết quả Giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, Lần thứ I, năm 2021 được công bố và trao thưởng vào dịp Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021).

2. Cơ cấu giải thưởng:

Các tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài được trao tặng Bằng chứng nhận Giải A, B, C, Khuyến khích và tiền thưởng kèm theo cho từng loại giải. Cụ thể:

Giải A: 3 giải, mỗi giải 15 triệu đồng. Giải B: 5 giải, mỗi giải 10 triệu đồng. Giải C: 10 giải, mỗi giải 5 triệu đồng. Giải Khuyến khích: 40 giải, mỗi giải 03 triệu đồng. 3. Khen thưởng

Bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong chỉ đạo, triển khai tổ chức hoạt động sáng tác các tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” Lần thứ I, năm 2020 - 2021.

 

Thùy Dương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm