Hỗ trợ sinh kế giúp người dân miền núi Con Cuông giảm nghèo bền vững
Để giúp các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Giăng nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời gắn phát triển du lịch, trong năm 2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện Con Cuông đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chép, trắm giòn. Tham gia mô hình có 4 hộ với 4 lồng cá, mỗi lồng được hỗ trợ 80kg cá giống, các hộ dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ tiền cá giống, tiền thức ăn và thuốc phòng bệnh cho cá.
Ông Vi Văn Đoàn ở bản Xiềng xã Môn Sơn là một trong những hộ được hưởng lợi từ mô hình nuôi cá trắm đen, chép giòn trên sông Giăng bước đầu cũng đã cho thấy hiệu quả. Điểm khác biệt của hình thức nuôi cá truyền thống và nuôi cá chép, trắm giòn chính là thức ăn. Đối với cá chép, trắm giòn, khi cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên bắt đầu cho cá ăn hạt đậu tằm đã nảy mầm sau khi ngâm 24 giờ trong nước. Loại thức ăn này giúp nâng cao chất lượng, tăng độ dai cơ thịt nên thịt của cá giòn khác với thịt cá chép bình thường. Đến nay sau 1 tháng cho ăn đậu tằm trọng lượng cá đã đạt từ 1,2-1,5kg/con.
“ Trước đây tôi nuôi cá theo cách nuôi truyền thống, giờ mới nuôi theo hình thức này. Tôi thấy cách nuôi này cá rất nhanh lớn, thịt ngon, cá nuôi trong lồng trên sông sẽ ngon hơn nuôi trong ao đất, vì nước luôn chảy nên sạch hơn. Nếu đợt này nuôi thành công, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình" - ông Đoàn chia sẻ.
Còn gia đình anh Lang Thanh Thủy ở bản kẻ Sùng xã Mậu Đức đã gắn bó với nghề trồng rừng hơn 10 năm nay, nhưng chủ yếu trồng rừng gỗ nhỏ, ngắn ngày. Năm 2016, gia đình là một trong 3 hộ được hỗ trợ mô hình trồng rừng gỗ lớn. Hưởng lợi từ Dự án gia đình đã được hỗ trợ phân bón năm đầu tiên và giống cây lát hoa, keo úc để trồng xen trên diện tích 2ha. Cây lát hoa là loại cây có giá trị kinh tế cao. Sau hơn 3 năm triển khai trồng đến nay hai loại cây phát triển tương đối đồng đều và rất có triển vọng.
“Trước đây gia đình trồng rừng gỗ nhỏ, chủ yếu cây keo nguyên liệu nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi triển khai trồng cây gỗ lớn đó là cây lát hoa xen cây keo thì tôi thấy phát triển rất tốt, hai loại cây này phát triển tương đối đồng đều. Tôi thấy cái hay ở đây trồng xen như thế này sau khi thu hoạch keo, lát chưa đến kỳ thu hoạch thì vẫn tiến hành chăm sóc qua đó tránh sự xói mòn của đất. Hi vọng cây gỗ lớn này sẽ là cây trồng triển vọng để giúp gia đình có thu nhập lớn hơn so với trồng cây gỗ nhỏ”- anh Thủy cho biết.
Trong 3 năm qua, huyện Con Cuông đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn với 70 mô hình, tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng cho 2.000 lượt hộ dân tham gia và hưởng lợi. Trong đó hơn 40 mô hình phát huy hiệu quả và có thể để nhân dân tham khảo nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống. Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng vật nuôi, sử dụng máy móc nông nghiệp và tập huấn được triển khai kịp thời, đầy đủ, phù hợp với trình độ của người dân và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn.
Được sự hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế VACR đã được nhân dân đầu tư nhân rộng. Hiện nay huyện đang tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất; Xây dựng, thử nghiệm và tiếp tục duy trì bảo vệ các mô hình phát triển kinh tế, đã và đang được triển khai trên địa bàn.
“Thời gian tới chúng tôi tranh thủ mọi nguồn lực, cũng như sự đầu tư từ các chương trình dự án để tiếp tục hỗ, đầu tư nhân rộng các mô hình cho hộ nghèo. Chúng tôi tin tưởng với sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành đối với các hộ nghèo người dân tộc thiểu số bằng việc hỗ trợ trực tiếp cây con giống, sẽ giúp họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”- ông Lang Văn Bán,Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Con Cuông trao đổi.
Bá Hậu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin