Thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao trong mùa nắng nóng ở huyện Anh Sơn
Với diện tích 2 sào đất vườn kém hiệu quả, năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 5 xã Hoa Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây thanh long ruột đỏ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chị Thủy chia sẻ: Trước đây khu vườn này chỉ trồng một số cây ăn quả khác nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Tình cờ xem tivi giới thiệu mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất vườn hiệu quả và qua đi thăm thực tế một số mô hình trong trong và ngoài xã, gia đình quyết định đầu tư san gạt mặt bằng, đào hố, làm hệ thống cột bê tông và trồng 300 gốc thanh long ruột đỏ. Trong quá trình trồng, luôn tìm tòi, học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Đặc biệt để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình chị Thủy đã sản xuất theo quy trình Vietgap, không sử dụng các loại phân bón hóa học, phòng trừ sâu bệnh bằng thủ công như bắt tay và tự chế bả chua ngọt rồi gắn bả trực tiếp lên các cây, nhờ đó chất lượng thanh long luôn đảm bảo, quả có vị ngọt mát, tròn đều và đẹp mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái, người dân đến tận vườn thu mua.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây bằng thủ công. |
Theo chị Thủy, thời gian thu hoạch thanh long ruột đỏ đầu từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm, một năm cho thu hoạch 6 lứa quả, 20-30 ngày thu hoạch 1 lứa. Trung bình mỗi lứa gia đình chị thu được 5 tạ. Với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 40-50 triệu đồng.
Chị Lê Thị Châu ở thôn 10 xã Hoa Sơn, hiện có hơn 100 gốc thanh long chia sẻ thêm: Đây là cây trồng lâu năm, khoảng 20 - 25 năm sau mới phải trồng lại. Cây cho quả chỉ sau một năm trồng, từ năm thứ 2 cây sẽ cho quả ổn định về năng suất.
Trao đổi về mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở địa phương, ông Trần Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, Anh Sơn cho biết: Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ đã khẳng định là loại cây trồng phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, đặc biệt là ở các mô hình cải tạo vườn tạp. Hiện nay toàn xã có hơn 20 hộ gia đình phát triển kinh tế bằng mô hình trồng thanh long cho thu nhập ổn định, đã có hộ gia đình nhờ trồng thanh long mà đã vươn lên thoát nghèo. Để đảm bảo các mô hình phát triển theo hướng bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân, xã Hoa Sơn thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về việc việc hướng dẫn kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, đặc biệt là trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhờ đó, các hộ đã nắm bắt được các kỹ thuật để áp dụng vào mô hình và mang lại hiệu quả cao.
Toàn huyện hiện có diện tích 15 ha, ở các xã: Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn, hầu hết các hộ dân chủ yếu trồng trên đất đồi và đất vườn. Theo các hộ dân, so với các giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có chất lượng và giá cả cao hơn. Đây là loại cây có thể trồng ở bất cứ vùng đất nào, từ đất khô cằn đến đất cát lại chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc.
“Để phát triển mô hình theo hướng bền vững, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình điểm trồng cây thanh long để người dân học tập kinh nghiệm và thấy được hiệu quả khi trồng cây thanh long; đồng thời, khuyến khích người dân tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương có diện tích trồng thanh long lớn cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm bảo đảm tính bền vững cho loại cây trồng này”, ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn chia sẻ thêm.
Với hiệu quả kinh tế mang lại và nguồn cung trên thị trường tương đối ổn định, mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Anh Sơn đang được người dân nhân rộng diện tích ở những diện tích đất vườn, đồi để nâng cao thu nhập; đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.