Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân
Chiều nay (14/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ V (Khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; cùng Lãnh đạo các ban, bộ, ngành.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thị Minh Sinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã và 101.405 tổ hợp tác thu hút hơn 7 triệu thành viên tham gia. Trong đó, Nghệ An có 699 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã và gần 3.000 tổ hợp tác với hơn 300.000 thành viên.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết, hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phát triển trong tương lai. Nhất là khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, số lượng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp.
Thời gian gần đây, số lượng hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.
Trong năm 2018, cả nước có gần 1.200 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cácchuyên gia, các doanh nghiệp liên kết và các hợp tác xã đã nêu lên những khó khăn, tồn tại; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã; Từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu, biện pháp cụ thể để nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực kinh tế tập thể trong xã hội những năm tiếp theo; Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 130.000 tổ hợp tác, 30.000 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 70%; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đầu tối thiểu 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng. Qua 15 năm triển khai thực hiện nghị quyết 13, vị trí, vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn chậm, chưa xứng với tiềm năng; Mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.
Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những quyết sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển vững chắc; có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin