Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cầu thủ Việt và hành trình "bơi ra biển lớn"

07:57, 07/09/2019
Đoàn Văn Hậu sang châu Âu vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng quốc tế. Anh được cho SC Heerenveen mượn 1 năm kèm điều khoản mua đứt với giá trị được công bố lên đến 1,5 triệu USD cùng mức lương vào khoảng 22.000USD/tháng.

Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã không làm đúng như tuyên bố trước đó rằng sẽ sử dụng Văn Hậu ngay từ đầu nếu cầu thủ này không gặp vấn đề về sức khoẻ. Văn Hậu chỉ được vào sân khoảng 20 phút cuối trận để hỗ trợ phòng ngự.

Không nghi ngờ gì nữa, đây là bản hợp đồng kỷ lục của bóng đá Việt cho đến lúc này và tất cả đều kỳ vọng Văn Hậu sẽ thành công ở xứ sở hoa Tulip. Nhìn từ thương vụ đình đám này, chúng ta hãy cùng nhau “lần giở” những trang sử xuất ngoại của cầu thủ Việt gần 20 năm qua.
Đoàn Văn Hậu và top 15 pha xử lý đẳng cấp trong màu áo các cấp độ tuyển Việt Nam

Từ "người mở đường” Lê Huỳnh Đức đến Lê Công Vinh
Năm 2001, Huỳnh Đức, ngày đó là tiền đạo của đội CA TP.HCM sang Trung Quốc khoác áo Lifan Trùng Khánh. Chân sút số 1 quốc gia khi đó được coi là cầu thủ Việt Nam tiên phong ra nước ngoài thi đấu cho dù ấn tượng để lại không nhiều. Hơn 4 tháng tại Trung Quốc cùng 4 trận ra sân, Huỳnh Đức kịp ghi 1 bàn thắng. Thời điểm đó, chuyện xuất ngoại còn khá lạ lẫm trong suy nghĩ của cầu thủ Việt. Thực tế, chuyến đi của Huỳnh Đức cũng nặng tính thương mại hơn là chuyên môn, bởi theo báo giới đổi lại thương hiệu Lifan đã tài trợ 60 xe đặc chủng cho lực lượng Công an TP.HCM.
Gần 4 năm sau thương vụ của Huỳnh Đức, bóng đá Việt có thêm những cầu thủ tiếp theo xuất ngoại. Nguyễn Việt Thắng đang trong thời gian bị treo giò, được gửi tới Porto B. Đây thực chất là một chuyến học việc tại đội bóng châu Âu và mang nhiều tính nhờ vả hơn là một hợp đồng thi đấu thực sự. Cùng lúc với Thắng “Bế”, Lương Trung Tuấn cũng sang Thái Lan chơi bóng với mức lương 400USD/tháng. Tương tự Việt Thắng, hậu vệ Trung Tuấn khoác áo Cảng Thái Lan trong quãng thời gian anh dính nghi án tiêu cực khi chơi cho HAGL ở cúp châu Á và bị LĐBĐ Việt Nam (VFF) treo giò 2 năm.
Ký vào bản hợp đồng với Leixoes hồi năm 2009, Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt đầu tiên chơi bóng tại một giải đấu chuyên nghiệp ở châu Âu. Năm 2013, hợp đồng cho mượn giữa SLNA và Sapporo đã đưa Công Vinh lập thêm kỷ lục mới: Cầu thủ Việt đầu tiên có 2 lần xuất ngoại. Từ Huỳnh Đức đến Công Vinh, cũng đã khép lại giai đoạn được coi như những viên đá làm nền cho câu chuyện “bơi ra biển lớn” của cầu thủ Việt về những năm sau này.

Văn Hậu sang chơi cho SC Heerenveen là bước tiến mới của cá nhân cầu thủ 20 tuổi này cũng như của bóng đá Việt Nam

Bầu Đức và những thương vụ của HAGL
3 năm sau ngày Công Vinh tới Nhật, Nguyễn Tuấn Anh sang khoác áo Yokohama với nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ. Chàng "Nhô" hồi ấy được chờ đợi sẽ sớm chữa lành chấn thương đầu gối và tỏa sáng khi trở về. Nghiệt ngã khi anh phải mất thêm vài năm nữa với nhiều đợt chữa trị tiếp theo trước khi tái xuất vào lúc này.
Cùng khoảng thời gian Tuấn Anh sang Nhật, Xuân Trường được bầu Đức đưa tới Incheon FC rồi Gangwon FC nhưng cũng đầy mông lung trong vấn đề phát triển. Xuân Trường chính thức trở thành người của Buriram United với bản hợp đồng cho mượn đầu năm 2019. Giống 2 chuyến đi trước, tiền vệ người Tuyên Quang không được ra sân nhiều và hồi hương V-League cách đây vài tháng.
Incheon United là điểm đến tiếp theo của Công Phượng hồi đầu mùa. Sau đó, chân sút người Nghệ An được HAGL rút về và cho Sint Truidense mượn tới hết mùa. Anh là cầu thủ thứ 2 của Việt Nam thi đấu ở một giải chuyên nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của Công Phượng còn rất gian nan để chứng tỏ được năng lực tại Bỉ.
Bầu Đức và những chuyến đi của lứa trẻ học viện ở HAGL hiếm khi để lại nhiều niềm tin. Sau khi không thể “chào hàng” như mong đợi với lò đào tạo Arsenal JMG ở trời Âu trước đó, ông chủ của HAGL đã chấp nhận những lựa chọn thấp hơn từ các quốc gia Đông Á. Đáng tiếc ở chỗ, gần như những lựa chọn ấy đều chưa thật sự “xanh chín”.
Không ít ý kiến cho rằng, khi các cầu thủ HAGL ra nước ngoài thi đấu trong những năm qua đều được nâng lên quá tầm bởi sản phẩm của truyền thông. Thậm chí, nặng nề hơn rằng các cầu thủ này xuất ngoại chủ yếu với mục đích quảng bá-thương mại hơn là vì mục đích chuyên môn.
Văn Hậu với bước bật vọt của chàng trai quê lúa và khúc vĩ thanh…
Đã có những so sánh về người trước người sau, về môi trường này, đội bóng kia khi Văn Hậu đi Hà Lan. Thiết nghĩ, mọi sự “cân-đo-đong-đếm” vào lúc này giữa các tiêu chí trên là khập khiễng và không cần thiết. Như đã nói từ những chuyến xuất ngoại cho dù không như ý của thế hệ cầu thủ trước đây hay từ bài học về những hợp đồng của HAGL mới cho ra đáp số rõ ràng để Văn Hậu soi vào. Dĩ nhiên, Văn Hậu và bầu Hiển đã đủ kinh nghiệm, hướng đi và cân nhắc cho bản hợp đồng này. Nhìn trên cả lộ trình Văn Hậu sang SC Heerenveen cho thấy trong thương vụ này mọi yếu tố đều công khai, minh bạch, đúng theo luật chơi quốc tế.
Không thể tránh khỏi những lăn tăn và vài điều lo lắng dành cho Văn Hậu. Dẫu vây, xét cho cùng, đây là chuyến đi thực sự rất có ý nghĩa và gợi mở nhiều thành công. Những gợi mở đầy hanh thông dựa trên nhiều khía cạnh từ năng lực của Văn Hậu và thiện chí từ đối tác Hà Lan. Năng lực, phẩm chất và tư duy chơi bóng của Văn Hậu là điều đã được kiểm chứng. Còn phía SC Heerenveen đang thể hiện được tính chuyên nghiệp trong từng bước đi của bản hợp đồng.
Được ra nước ngoài chơi bóng là ước mơ của mỗi cầu thủ Việt. Đấy cũng là xu thế tất yếu của toàn bộ nền bóng đá, bởi nếu chúng ta muốn tiến lên trình độ cao hơn, thì cầu thủ cũng phải dần tiếp cận với các nền bóng đá ở những trình độ trên tầm bóng đá Việt Nam.
Khi các cầu thủ có điều kiện, có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, nhìn một cách toàn diện đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, bản thân mỗi cầu thủ chúng ta phải cố gắng hoàn thiện để đạt được những yêu cầu cơ bản. Có như thế, mới đáp ứng và thích ứng ở những môi trường mới lạ. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là chuyên môn. Do đó, không gì khác hơn, bản thân mỗi cầu thủ phải tự nâng tầm giá trị của mình lên theo kịp yêu cầu của việc xuất ngoại chơi bóng.
Xuất ngoại là một trong hướng đi của môi trường bóng đá chuyên nghiệp hiện nay. Muốn có được điều này, không gì khác hơn việc chúng ta phải có cái nền cơ bản vững vàng. Đó là từ nền tảng sân chơi V-League. Ở đó phải có sự chuyên nghiệp, khoa học của các CLB. Bên cạnh tính cạnh tranh cao, cạnh tranh và đào thải để sàng lọc và phát triển. Chính từ cái gốc đó, xuất phát điểm đó, cầu thủ mới đủ tự tin có trong hành trang cho những chuyến xuất ngoại.
Nếu nhìn vào những lần vươn ra biển lớn của cầu thủ chúng ta nhiều năm qua, đọng lại nỗi buồn hơn niềm vui. Lúc bắt đầu là hứng khởi nhưng rồi mọi thứ không như là mơ. Dẫu sao, những dấn thân đó, những bước đi mở đường đó đều đáng trân quý. Có đi như thế, mới biết mình là ai, đang ở đâu và học được điều gì. Đi để mở ra những con đường.

Theo TT&VH

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm