TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi khai thác, đánh bắt mất mùa

18:53, 10/07/2019
Cơ chế hỗ trợ cho ngư dân khi khai thác, đánh bắt mất mùa, những bất cập trong sáp nhập xã, xóm, bản; cải cách hành chính, tình trạng ruộng bỏ hoang...đây là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phản ánh sôi nổi tại phiên thảo luận tổ 7 chiều 10/7.

Chiều 10/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, các đại biểu HĐND tỉnh tổ 7 gồm các đơn vị: Quỳnh Lưu và Diễn Châu  thực hiện phiên thảo luận tổ. Tham dự phiên thảo luận có đồng chí Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ số 7.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ số 7.

Phát biểu định hướng nội dung thảo luận tổ, ông Nguyễn Như Khôi đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ hơn những kết quả, tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực KT-XH, AN-QP; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu. 

Băn khoăn sau sáp nhập

xã, xóm, bản

Vấn đề sáp nhập xã, xóm, bản được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu huyện Diễn Châu bày tỏ băn khoăn, khi sáp nhập nếu thực hiện theo NĐ34 chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn bản giảm trong khi diện tích, dân số tăng. Vì vậy, đề xuất tỉnh có giải pháp hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách này. Lãnh đạo huyện Diễn Châu, cũng cho biết cử tri cũng quan tâm tới việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất sau sáp nhập. 

Đại biểu huyện Diễn Châu nêu băn khoăn của cử tri sau khi sáp nhập xã, xóm, bản.

Theo ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn của cử tri là đúng. Vì vậy, sau khi sáp nhập sẽ có quy định tiếp theo, làm thế nào giảm đóng góp của người dân, gắn với đó sẽ tổ chức lại đội ngũ cán bộ. Ông Chung cũng cho biết, tỉnh đã tiến hành thẩm định sáp nhập xóm tại 14 huyện, thành thị. Việc sáp nhập xóm được thực hiện theo quy định của Trung ương. Sau sáp nhập toàn tỉnh sẽ giảm 1609 khối xóm. Sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh thì ngành Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh những cơ chế hỗ trợ đối với các xóm phải sáp nhập. Về phụ cấp đối với cán bộ xóm, khối, hiện nay đang đợi hướng dẫn từ Trung ương.
 “Nghị định 34 đã có hiệu lực từ ngày 25/6/2019, song phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ LĐTBXH mới thực hiện. Đồng thời, trình HĐND có nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho đội ngũ này, để vận hành một cách tốt hơn và hiệu quả hơn” – ông Chung thông tin thêm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

trong các cơ quan, đơn vị

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm tới lĩnh vực cải cách hành chính. Đại biểu Nguyễn Lương Hồng cho biết, nhiều cử tri phản ánh còn có tình trạng cán bộ công chức có thái độ chưa cầu thị, giải quyết vấn đề chưa thấu đáo, gây phiền hà cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Lương Hồng nêu nhiều cử tri phản ánh còn có tình trạng cán bộ công chức có thái độ chưa cầu thị.

Cùng chung ý kiến với bà Hồng, ông Nguyễn Tử Phương – đại biểu Quỳnh Lưu đề nghị tỉnh phải có giải pháp kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý tình trạng cán bộ công chức có thái độ nhũng nhiễu với người dân. Ông Phương đặt câu hỏi: “Nghệ An đã kiểm tra, xử lý, khiển trách được ai chưa? Năm nay được tỉnh chọn là năm Cải cách hành chính, nếu không có giải pháp mạnh thì có hoàn thành chỉ tiêu đề ra hay không?” Theo đó, ông Phương đề nghị giải pháp 6 tháng cuối năm cần gắn trách nhiệm người đứng đầu. 

Giải trình vấn đề này, ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận ở một số nơi vẫn còn xảy ra hiện tượng này. “Nguyên nhân là do trình độ và kỹ năng giao tiếp của cán bộ công chức chưa tốt, và có thể có ý đồ “tham  nhũng vặt”, nhưng hiện tượng này rất khó phát hiện. Ngành cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này. Từ nay đến cuối năm sẽ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm các thủ tục phiền hà cho người dân”- ông Chung trao đổi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng khẳng định: Năm 2019 được tỉnh xác định là năm cải cách hành chính, tỉnh đang tập trung các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh cung cấp những địa chỉ cụ thể gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, tỉnh sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có những hành vi đó. Đ/c Đinh Viết Hồng cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành nêu cao trách nhiệm trong cải cách hành chính, do đó các vị đại biểu HĐND tỉnh cần giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cách hành chinh của các sở, ngành, đơn vị.

Có cơ chế khuyến khích giảm tình trạng

bỏ ruộng

Một nội dung được các đại biểu hết sức quan tâm đó là tình trạng ruộng đất bỏ hoang tương đối nhiều; Theo ông Nguyễn Tử Phương – đại biểu Quỳnh Lưu diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhưng chậm quy hoạch, cần hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn. Đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu đánh giá sát sao, có định hướng hướng dẫn cho nông dân để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Đồng tình với  ý kiến này, ông Hoàng Lân, Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu Diễn Châu cho rằng thời gian qua tỉnh đã có các giải pháp hạn chế tình trạng bỏ hoang bằng cách hỗ trợ tiền giống, phân bón. Song nhiều cơ chế được ban hành để khuyến khích sản xuất nông nghiệp không có hiệu quả. Các đại biểu đề nghị tỉnh cần có giải pháp để người nông dân bám đất.
Làm rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết tình trạng bỏ ruộng chủ yếu là diễn ra ở vụ hè thu và vụ đông, còn vụ đông xuân thì không bỏ. Diện tích đất nông nghiệp người dân bỏ là do sản xuất không có hiệu quả kinh tế và người dân có nghề phụ có thu nhập cao hơn nghề nông. Để hạn chế tình trạng người nông dân bỏ ruộng, tỉnh đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn liền với xây dựng NTM. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao đã được nhân rộng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định “ Bỏ ruộng không gắn với nghèo”

Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân

khi khai thác mất mùa


Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng  cùng trong lĩnh vực nông nghiệp, khi mất mùa do hạn hán, thiên tai vẫn được hỗ trợ, nhưng trong những năm qua việc mất mùa trong khai thác thủy sản chưa được quan tâm. Trong khi đó, ngư dân gặp nhiều khó khăn do giá cả, xăng dầu cao, thuê nhân công, sản lượng đánh bắt sản lượng thấp... Vì vậy, ngư dân mong muốn nhà nước có các chính sách hỗ trợ, để khuyến khích bà con vừa tham gia đánh bắt vừa giữ chủ quyền biển đảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh kiến nghị lên Trung ương có cơ chế hỗ trợ khi ngư dân gặp khó khăn trong đánh bắt.

Về các cơ chế hỗ trợ cho ngư dân trong đánh bắt thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh kiến nghị lên Trung ương có cơ chế hỗ trợ khi ngư dân gặp khó khăn trong đánh bắt.

Tăng thu ngân sách nhà nước

Về tình hình nợ đọng thuế, đại biểu Nguyễn Lương Hồng – Đại biểu huyện Quỳnh Lưu băn khoăn, với số nợ thuế lớn như thế, liệu sẽ thu hồi được bao nhiêu. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lương Hồng cũng bày tỏ lo lắng khi nguồn thu ngân sách chủ yếu từ đất ngày càng bị thu hẹp vì vậy đề nghị cần có quy hoạch cụ thể đối với nguồn tài nguyên này. 
Đại biểu Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Sở Tài chính, Đại biểu huyện Diễn Châu cho biết, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh đang triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao về thu ngân sách nhà nước. 

Đại biểu Nguyễn Xuân Hải – Đại biểu huyện Diễn Châu cho biết các giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước

Người đứng đầu của ngành Tài chính cũng cho biết, chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước của Đại hội Đảng bộ tỉnh là không thể thực hiện được. Nguyên nhân là do chúng ta chưa thu hút được những dự án trọng điểm; một số dự án đã được thu hút vào tỉnh hiện đang được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư vì vậy thuế đóng góp cho ngân sách nhà ước ít.
Đối với việc khai thác quỹ đất, đại biểu Hải cho biết, nguồn thu từ khai thác quỹ đất để phục vụ đầu tư phát triển, bồi thường mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án. Đây là nguồn thu quan trọng của tỉnh ta trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, cần khai thác hợp lý quỹ đất.
Về tình trạng nợ thuế hiện nay, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, nợ thuế của tỉnh khá lớn và đây là tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân của nợ thuế là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.  Hiện ngành Thuế đã đưa ra các giải pháp mạnh để thu hồi nợ đọng thuế. 

Tăng cường, cải thiện hạ tầng

điện lực

Liên quan đến vấn đề điện, ông Bành Hồng Hiển cho biết cử tri các huyện vùng cao Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương có phản ánh tình trạng cắt điện đột xuất mà không thông báo. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc mất điện do sự cố đột xuất. Đối với những sự cố phải khắc phục trên 4 tiếng thì ngành Điện sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin để người dân được biết.

Ông Nguyễn Tử Phương – đại biểu Quỳnh Lưu đề nghị ngành điện cần tăng cường quan tâm đến hạ tầng điện lực; cải thiện chất lượng điện cho người dân.

Cũng bàn về chất lượng điện, đại biểu Nguyễn Tử Phương cho biết một số nơi quạt không quay được, cơm không nấu được do điện quá yếu. Đề nghị cần ngành điện cần tăng cường quan tâm đến hạ tầng điện lực; cải thiện chất lượng điện cho người dân.  “Về quy hoạch mạng lưới điện, trạm, đường dây ngành điện cần lưu ý quan tâm, một số vùng người dân rất bức xúc, điện quá yếu, ngành điện phải có kiểm tra hỗ trợ cho điện lực của địa phương, có giải pháp cải thiện vấn đề điện cho người dân”.- ông Nguyễn Tử Phương bày tỏ.

Quy hoạch vùng các nhà máy

xử lý rác thải

Liên quan đến vấn đề xử lý rác, đại biểu Hoàng Lân – Đại biểu huyện Diễn Châu đề nghị tỉnh cần có giải pháp để tuyên truyền tới người dân về việc sử dụng các loại bao (bao ni lông, chất thải rắn) để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Bành Hồng Hiển – đại biểu Quỳnh Lưu cho hay hiện nay, cử tri quan tâm đến bức tranh xử lý rác thải của tỉnh; 1 số nhà máy xử lý rác thải đã được xây dựng hiện nay hoạt động như thế nào? Tỉnh có những cơ chế như thế nào để thu hút các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải.

Đại biểu Bành Hồng Hiển – Đại biểu huyện Quỳnh Lưu đề nghị cho biết tình hình hoạt động của các nhà máy chế biến rác thải
Đại biểu Bành Hồng Hiển – Đại biểu huyện Quỳnh Lưu đề nghị cho biết tình hình hoạt động của các nhà máy chế biến rác thải

Về câu hỏi công nghệ nào xử lý rác thải là tốt nhất, ông Nguyễn Đình Lợi – Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chưa địa phương nào khẳng định được. Riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 nhà máy đã đi vào sản xuất tại Nghi Yên và tại Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, nhà máy tại Nghĩa Đàn không đủ lượng rác để sử dụng hết công suất. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở Xây dựng điều chỉnh quy hoạch theo hướng phân vùng, một nhà máy có thể phục vụ cả vùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cũng làm rõ những nội dung các đại biểu quan tâm. Theo đó, để xử lý rác thải hiện nay tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng điều chỉnh quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công nghệ phân loại rác và đốt, quy hoạch nhà máy xử lý rác theo vùng. 

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cũng đã làm rõ vấn đề xử lý rác thải; xây dựng Nông thôn mới và việc giao đất, giao rừng cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Như Khôi – Tổ trưởng kết luận phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Như Khôi – Tổ trưởng kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận tổ, ông Nguyễn Như Khôi đánh giá: tại phiên thảo luận các đại biểu đã trao đổi một cách thẳng thắn về nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; Đại diện sở, ngành liên quan đã giải trình các vấn đề đại biểu nêu một cách thấu đáo. Ông Nguyễn Như Khôi cũng cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu HĐND tỉnh để trình HĐND tỉnh./.

Hiến Chương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm