Phiên thảo luận tại hội trường: Nóng vấn đề tạo việc làm cho lao động trở về quê hương do dịch Covid-19
Toàn cảnh kỳ họp. |
Khác với các kỳ họp thường kỳ trước, kỳ họp HĐND tỉnh lần này không tiến hành phiên thảo luận tại tổ mà trước khi diễn ra kỳ họp, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu tài liệu, thảo luận đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp; tổng hợp, gửi báo cáo về cho Thường trực HĐND tỉnh.
Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số lao động đi làm ăn xa trở về quê nhiều. Vì vậy vấn đề được đại biểu quan tâm đó là các giải pháp trong tạo việc làm cho lao động, bổ sung các chính sách cụ thể trong tạo việc làm trước mắt và sinh kế lâu dài cho người dân miền núi.
Đại biểu Hồ Văn Đàm đề nghị ngoài các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cần có biện pháp xử lý lâu dài về việc làm cho lao động trở về quê hương từ vùng dịch. |
Ngoài việc đề nghị trong phát triển nông nghiệp cần có giải pháp định hướng cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng mùa vụ và cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất để hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ đất sản xuất; quan tâm khảo sát đánh bắt hải sản xa bờ những năm gần đây để đánh giá, có giải pháp đồng hành, tháo gỡ trong việc đầu tư tàu cá, ngư lưới cụ, ngư trường, việc khai thác gắn với chế biến và tiêu thụ hải sản. Đại biểu Hồ Văn Đàm – đại biểu huyện Quỳnh Lưu cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cần có biện pháp xử lý lâu dài về việc làm cho lao động trở về quê hương từ vùng dịch.
Đại biểu Ngân nhấn mạnh: “Trong thời điểm hiện nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tạo ra ảnh hưởng nặng nề về ổn định đời sống. Đề nghị nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm bổ sung một chính sách cụ thể hơn về việc làm cho lao động địa phương, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.” |
Liên quan đến vấn đề này, theo bà Lô Thị Kim Ngân – Đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Thanh Chương: Trong tình hình ảnh hưởng dịch Covid-19, lao động ở vùng dịch trở về với số lượng lớn, gây ảnh hưởng về việc ổn định đời sống, nhất là vùng miền núi. Đề nghị bổ sung, cân nhắc nội dung cụ thể hơn trong chính sách việc làm đối với địa phương trong thời kỳ thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021; đảm bảo triển khai kế hoạch an sinh xã hội, tạo sinh kế ổn định phù hợp cho người lao động địa phương, đặc biệt là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với việc thu thập số liệu thực tế đánh giá thực trạng vùng miền núi nói chung, trong đó các hộ nghèo, cận nghèo cần được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp, chính sách của trung ương, tỉnh trong thời gian tới. Đại biểu Ngân nhấn mạnh: “Trong thời điểm hiện nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tạo ra ảnh hưởng nặng nề về ổn định đời sống. Đề nghị nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm bổ sung một chính sách cụ thể hơn về việc làm cho lao động địa phương, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi thảo luân. |
Tại buổi thảo luận, Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo, làm rõ thêm về giải pháp trong tạo sinh kế cho người dân miền núi. Cụ thể, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Về tình trạng người dân miền núi thiếu đất sản xuất, Sở đã triển khai các giải pháp: như giao đất giao rừng. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chuyển giao được 11.734 ha/ hơn 12.026 ha đất từ 11 nông, lâm trường về cho các địa phương quản lý để giao cho người dân sản xuất (hiện còn hơn 300 ha tiếp tục giao trong thời gian tới).
Cùng với đó, việc triển khai chủ trương giao đất, giao rừng, giai đoạn 2018 - 2020 cũng đã được thực hiện được 56% tiến độ. Hiện do kinh phí nên tỉnh cho phép kéo dài đến năm 2023 và vài năm tới thực hiện xong sẽ tạo quỹ đất sản xuất cho người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã có một phần giải pháp giải quyết kế sinh nhai cho bà con vùng miền núi; Trong chương trình giảm nghèo bền vững Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH, lồng ghép các giải pháp để hỗ trợ bà con kế sinh nhai. Sắp tới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế đồng bào dân tộc, sở sẽ phối hợp các sở ngành liên quan để lồng ghép các giải pháp đồng bộ, giải quyết việc làm cho bà con.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ nêu 6 giải pháp trong giải quyết việc làm cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 |
Cũng liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cho biết, từ ngày 27/4 đến ngày 5/8, số người dân từ các tỉnh thành khác trở về quê là trên 72 nghìn người, trong đó có trên 9 ngàn lao động. Số lao động 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh mất việc làm là hơn 10 nghìn người.
Về cách giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid -19, theo ông Vũ, có 6 giải pháp rất quan trọng: Thứ nhất là tăng cường thông tin kết cấu cung cầu lao động. 6 tháng đầu năm đã kết nối cung cung lao động cho trên 37.700 việc làm, và kết nối với đào tạo nghề nhưng chỉ có 1.371 người có việc làm. Thứ 2 là nâng cao chất lượng lao động, từ đó nâng năng suất lao động để tăng thu nhập, kể cả lao động nông thôn, miền núi. Thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thanh niên, sinh viên lập nghiệp. Cùng với đó, quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án của nhà nước để có định hướng phát triển kinh tế. Hỗ trợ vốn, chính sách, chế độ về giải quyết việc làm như học nghề, ngoại ngữ, chi phí xuất khẩu lao động...
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ thông tin thêm: Về triển khai Nghị quyết 68 và quyết định 23 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid – 19, Nghệ An đã ban hành quyết định về 22 ngày 9/8 về việc giải quyết cho 9 nhóm lao động tự do trên địa bàn tỉnh được hưởng chế độ. Tỉnh sẽ giải quyết nhanh chính sách này sẽ ổn định đượ cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động, từ đó sẽ ổn định được sản xuất, ổn định được sinh kế cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) đề xuất cần có các giải pháp trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. |
Trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, tại phiên thảo luận, Ông Nguyễn Công Văn, đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Nghi Lộc và các đại biểu cũng đề xuất cần có các giải pháp trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị tốt nguồn lực và chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ để đối phó với các tình huống dịch bệnh phức tạp.
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh trả lời về các ý kiến, kiến nghị của đại biểu. |
Liên quan đến nội dung này, theo giám đốc Sở y tế Dương Đình Chỉnh: Tại Việt Nam, ở lần bùng phát dịch lần thứ 4 phức tạp hơn rất nhiều so với những lần trước, dù trải qua thời gian dài ứng phó với dịch bệnh. Hiện tại các tỉnh phía Nam đang ở trong khoảng thời gian đỉnh điểm của dịch khi con số về ca nhiễm và ca tử vong trong ngày liên tục tăng cao liên quan đến biến chủng Delta.
Tại Nghệ An, lần bùng này không tránh khỏi ảnh hưởng. Kể từ ngày 16/6 đến nay, có 443 trường hợp mắc Covid-19. Các ổ dịch trên địa bàn tỉnh như: TP Vinh, Diễn Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Yên Thành, gần đây là Quỳnh Lưu đã cơ bản kiểm soát. Tuy nhiên Nghệ An là một trong những địa phương có địa bàn rộng, có cảng hàng không quốc tế, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, tính chất rất phức tạp. Một số trường hợp ngoại tỉnh mang dịch vào địa bàn. Đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, số lượng lao động tự do trở về địa phương rất lớn, trong đó có nhiều trường hợp F0 (đến nay đã có 150 trường hợp F0), gây khó khăn trong việc kiểm soát. Thêm nữa, một bộ phận người dân có ý thức chưa tốt làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thừa nhận thời gian qua mặc dù Nghệ An vẫn nỗ lực thực hiện 4 tại chỗ, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, lúng túng, đã có tình trạng lây chéo trong khu cách ly. Vì vậy, các giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở y tế đề nghị cần sự vào cuộc, chủ động người đứng đầu, tiếp tục kiên định, kiên trì chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ, trong đó có 3 định hướng: chiến lược 5K + vắc xin, an toàn Covid-19 các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch; đặc biệt là 4 định hướng của Bí thư Tỉnh uỷ: “Kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, dựa vào dân”. Người đứng đầu ngành y tế Nghệ An nhấn mạnh “Phát huy vai trò của người đứng đầu các địa phương, dựa vào sức mạnh của người dân; Triển khai các kịch bản phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tế địa phương. Cuộc chiến chống dịch đang kéo dài, có giai đoạn tấn công cũng có giai đoạn phòng thủ nên các kịch bản phải đảm bảo 2 nguyên tắc linh hoạt và khoa học, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo hài hoà trong phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn này phải xây dựng kịch bản phòng thủ vững chắc".
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp. |
Liên quan đến ý kiến của Đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) nêu hiện công tác bảo vệ môi trường chưa được nhiều công ty, đơn vị thực hiện chặt chẽ, việc xử phạt chưa mang tính răn đe. Cụ thể theo Đại biểu Văn Tại xã Nghi Quang và Nghi Yên (Nghi Lộc), cử tri cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP Minh Thái Sơn (KCN Nam Cấm) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên gây ra chưa được xử lý dứt điểm.
Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Hoàng Quốc Việt cho biết, đối với Công ty CP Minh Thái Sơn (nằm trong KCN Nam Cấm) có hành vi gây ô nhiễm môi trường như cử tri kiến nghị là đúng. Ngày 11/8 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu công ty dừng hoạt động để khắc phục các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khuyến cáo, đề nghị Công ty CP Minh Thái Sơn chuyển đổi sang loại hình sản xuất khác, thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với BQL Khu kinh tế Đông Nam để tiếp tục các vấn đề tại Công ty CP Minh Thái Sơn. Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc), Giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh, việc cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây là có cơ sở. Khi có sự cố rò rỉ nước thải tại bãi rác, Sở TN&MT đã đến chỉ đạo khắc phục và phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện một số giải để khắc phục sự cố rò rỉ, ô nhiễm môi trường. Cụ thể, yêu cầu công ty vận hành đúng quy trình đã được phê duyệt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường, di dời khu tái định cư, tiếp tục xây dựng hố chôn lấp để giảm tải; đầu tư chuyển đổi công suất với công nghệ hiện đại hơn.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng giải trình về vấn đề giải quyết cơ sở vật chất sau sáp nhập xã, xóm. |
Về việc giải quyết cơ sở vật chất sau sáp nhập xã, xóm được nhiều đại biểu quan tâm, lãnh đạo Sở Tài chính cũng đã báo cáo và làm rõ thêm. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, năm 2019 sau khi có chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã xóm, thôn bản, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc xây dựng phương án rà soát tài sản nhà đất sau sáp nhập. Từ đó đến nay đã có thêm 4 văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này. Hiện tại đã có 18 địa phương báo cáo cho Sở Tài chính, còn 3 địa phương chưa báo cáo. Đến ngày 28/6/2021, Bộ Tài chính có thêm công văn 6911 hướng dẫn sắp xếp tài sản sau sáp nhập, tỉnh đã có cuộc họp vào ngày 30/7/2021.
Trên cơ sở hồ sơ tài liệu báo cáo của các địa phương, hầu hết chỉ có số liệu, hồ sơ tài liệu kèm theo còn thiếu nhiều nên Sở Tài chính đã báo cáo UBND tỉnh vào phiên họp gần đây nhất và được chỉ đạo trên cơ sở những hồ sơ tài liệu đã nộp đầy đủ, Sở Tài chính trình trong tháng 8 này, còn địa phương nào thiếu sẽ tiếp tục được đôn đốc bổ sung.
Tuy nhiên khó khăn trong tính pháp lý, một số tài sản nhà đất ở các địa phương thuộc quản lý của TW, nên phải chờ xin ý kiến, kéo dài thời gian.
Riêng về vấn đề nhà văn hoá, tại các buổi tiếp xúc, cử tri đề xuất bán đấu giá để xây dựng nhà văn hoá mới phù hợp với quy mô dân số, diện tích phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, Sở Tài chính xin tiếp thu, sẽ tham mưu UBND tỉnh để báo cáo kỳ hợp tới đây.
Các đại biểu trao đổi ngoài lề kỳ họp. |
Đóng góp vào giải pháp phát triển KT – XH 6 tháng cuối năm, các đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp định hướng cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng mùa vụ; quan tâm khảo sát đánh bắt hải sản xa bờ những năm gần đây để đánh giá, có giải pháp đồng hành, tháo gỡ trong việc đầu tư tàu cá, ngư lưới cụ, ngư trường, việc khai thác gắn với chế biến và tiêu thụ hải sản; Rà soát các dự án chậm tiến độ để có phương án xử lý… Ngoài ra một số vấn đề được cử tri quan tâm cũng được các đại biểu đề xuất như tình trạng điện yếu ở một số vùng nông thôn và việc chậm hoàn trả lưới điện. có phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường 532 do tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng; Việc quản lý người dân ở vùng xâm lấn đất đai… Những vấn đề này cũng đã lãnh đạo các ngành báo cáo, giải trình, làm rõ.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đọc các ý kiến phản ánh của cử tri qua điện thoại đường dây nóng. |
Trong phiên họp chiều nay, qua đường dây điện thoại trực tuyến, kỳ họp cũng đã nhận được 19 ý kiến phản ánh của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; Quản lý giao thông, môi trường, xây dựng, đô thị; các chế độ - chính sách; công thương; tư pháp.Sau kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của các cử tri đến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo để cử tri được biết./.