Nông dân Yên Thành nuôi ốc bươu cho thu nhập 70 triệu đồng/sào
Gia đình chị Lê Thị Nguyệt ở xóm 2 xã Đức Thành thầu 1,1 ha vùng đất xa xấu khu vực đồng Cửa Chùa để làm trang trại, trước đây chị chăn nuôi gà, vịt, lợn và thả cá. Nhưng mấy năm gần đây do dịch bệnh liên tiếp xẩy ra ảnh hưởng đến kinh tế gia đinh. Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen vừa ít chi phí vừa đem lại hiệu quả, đầu năm 2018, vợ chồng chị đã lặn lội ra tận Tuyên Quang mua 22 kg ốc giống về nuôi thử nghiệm. Sau 5 tháng chăm sóc đã bán ra thị trường 5 tấn ốc thương phẩm, với giá bán 70 ngàn đồng/ kg, trừ chi phí đã thu lãi 200 triệu đồng, còn lại 4 tạ ốc giống, chị tiếp tục giữ lại để nhân giống.
Chị Nguyệt cho biết: “Nuôi ốc ít bị dịch bệnh, chủ động được nguồn thức ăn vì chủ yếu là rau củ quả và rau xanh; con giống mình tự ươm được nên chi phí nuôi cũng ít hơn các con vật khác…”
Còn với gia đình anh Trần Quý Bảo, ở xóm 4 xã Đức Thành cũng cải tạo 0,6 ha diện tích đất thầu của gia đình thành 3 ao nuôi ốc. Để tránh tác động ngoại cảnh môi trường, anh làm nhà màng và làm bờ bao xung quanh ao để chắn gió lùa. Theo anh Bảo, để nhân được giống ốc phải mày mò nghiên cứu kỹ thuật nuôi, vì thế hiện nay tỷ lệ trứng nở đạt khoảng 90% và bắt đầu có con giống xuất bán giống, đồng thời nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện tại gia đình đã đầu tư làm nhà màng trên toàn bộ diện tích để nuôi bằng công nghệ cao, an toàn sinh học. Nuôi theo phương pháp này mỗi sào sẽ đạt khoảng 6 tấn ốc thương phẩm/năm.
Đức Thành là xã miền núi, có nhiều ao, đầm, trước kia, bà con thường nuôi thả cá, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong 2 năm trở lại đây, từ học hỏi kinh nghiệm, hiện nay đã có 6 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi ốc bươu với quy mô hàng vạn con mỗi lứa. Tận dụng để nuôi ốc. Quy trình nuôi ốc bươu đen hoàn toàn dựa vào quy trình sinh sản, phát triển, thức ăn tự nhiên, vì thế chất lượng ốc rất thơm ngon, phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm, được thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện nay giá ốc giống đạt từ 5 triệu đồng /kg và từ 70.000 - 80.000 đồng/kg ốc thương phẩm, như vậy mỗi sào ao hồ cho hiệu quả kinh tế khoảng 70 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chủng - Chủ tịch hội nông dân xã Đức Thành cho biết: “Hiện tại Hội Nông dân xã đã tham mưu cho UBND xã giao đất những vùng nơi sâu sục, xa xấu trồng lúa kém hiệu quả cho các hộ có nhu cầu xây dựng mô hình nuôi ốc”.
Nuôi ốc bươu đen không hề tốn kém, chỉ cần một diện tích mặt nước nhỏ, nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi, thức ăn của ốc hoàn toàn có thể tận dụng mà không mất một đồng chi phí. Đây là mô hình nuôi trồng thủy sản có nhiều triển vọng đang được nông dân huyện Yên Thành nhân rộng. Tuy nhiên, người dân cũng đang cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để mô hình này ngày càng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin