Băn khoăn về chính sách hỗ trợ người dân trong công tác bảo vệ rừng
Theo quy định tại khoản 3, điều 4, Nghị định 75 của Chính phủ, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thì được hỗ trợ tiền trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo… riêng mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm.
Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) băn khoăn chính sách hỗ trợ người dân trong công tác bảo vệ rừng. |
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Lục Thị Liên băn khoăn ở nhiệm vụ thứ 8, điểm c của Dự thảo Nghị quyết, sau khi thảo luận về công tác bảo vệ rừng và chính sách hỗ trợ người dân trong công tác bảo vệ rừng, có thống nhất xây dựng bổ sung cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh trong năm 2021 hay không?
Rừng Kỳ Sơn. |
Cụ thể ở đây là Nghị định 75 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, mức hỗ trợ là 400.000 đồng /ha, nhưng hết giai đoạn 5 năm, đến nay người dân vẫn chưa được hưởng chế độ này do ngân sách không đủ hỗ trợ. Mức hỗ trợ mới đạt khoảng 36%, trong đó 31% phân về Ban quản lý rừng phòng hộ, người dân chỉ được hưởng ở mức 5%. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, đại biểu Liên đề nghị xem xét nguồn lực từ Trung ương có đảm bảo hay không để có chính sách riêng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Các đại biểu tham dự. |
Đại biểu cũng nêu đề xuất điều chỉnh thể thức trong văn bản, các “Mục” nên đổi thành “Điều” theo đúng với Nghị định 34 của Chính phủ quy định mẫu về Nghị quyết của HĐND.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình vấn đề đại biểu nêu. |
Tham gia làm rõ vấn đề đại biểu nêu, đại diện cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT giải thích: trong cơ chế chính sách về khoanh nuôi, quản lý và phát triển rừng, nếu tổng hợp của cả TW và địa phương có tới 8 chính sách, trong đó có một số chính sách áp dụng chưa hiệu quả. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn đang chuẩn bị điều chỉnh mức hỗ trợ từ 450.000/ha tăng lên mức 1 triệu và trên 1 triệu/ha. Vì vậy, đề xuất HĐND tỉnh chờ chính sách mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện, nếu cần thì sau đó sẽ nghiên cứu để ban hành chính sách riêng của tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư cho rằng cần chờ sự điều chỉnh chính sách từ TW trong năm 2021. |
Cùng quan điểm với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư khẳng định vẫn thực hiện các mức hỗ trợ theo cơ quan chuyên môn, và đang chờ sự điều chỉnh chính sách từ TW trong năm 2021.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Tân Kỳ) đồng tình ý kiến sửa từ “Mục” thành “Điều”. |
Liên quan đến vấn đề về thể thức “Điều” hay “Mục”, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng theo Nghị định 34 của Chính phủ có đưa ra mẫu về Nghị quyết của HĐND, trong đó thiết kế các điều luật, điều khoản, điểm, trong phụ lục không có “mục”. Vì vậy cần sửa từ “Mục” thành “Điều”.
Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu. |
Về nội dung này, ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp cũng đồng ý tiếp thu sửa đổi, điều chỉnh từ “Mục” thành “Điều”.
Các đại biểu biểu quyết thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi và thông qua Dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. |
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn khẳng định thống nhất thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương, xét thấy cần thiết sẽ bổ sung chính sách riêng của tỉnh. Về thể thức văn bản, sẽ điều chỉnh phù hợp theo Nghị định 34 của Chính phủ. Ý kiến của chủ tọa cũng nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu HĐND tỉnh.