Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làm rõ trách nhiệm giao đất, giao rừng chậm tiến độ

15:31, 12/12/2020
Thực trạng giao đất lâm nghiệp, giao rừng chậm tiến độ đã làm giảm hiệu quả phát triển kinh tế lâm nghiệp cũng như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân sống nhờ vào rừng. Vậy nguyên nhân do đâu? Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm.. đó là vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh mong muốn được các ngành liên quan làm rõ.

 

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 vào chiều 12/12, đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (TX Thái Hoà) nêu: Hiện trên địa bàn thị xã Thái Hòa có trạm bơm Vực Rồng Khe Son thuộc hồ chứa nước bản Mồng do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, phục vụ nước tưới tiêu cho bà con. Đến nay sau 5 năm hoàn thành (từ năm 2015) nhưng chưa đi vào hoạt động. Một số hạng mục đã bị xuống cấp. Đến bao giờ dự án này mới đi vào hoạt động để phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân?

Tuyến kênh hở của trạm bơm Vực Giồng chưa sử dụng nhưng một số đoạn đã bị sập, lở. (Ảnh Internet)
Tuyến kênh hở của trạm bơm Vực Giồng chưa sử dụng nhưng một số đoạn đã bị sập, lở. (Ảnh Internet)

Đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (TX Thái Hoà) chất vấn: "Đến bao giờ dự án trạm bơm Vực Rồng Khe Son mới đi vào hoạt động để phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân?"

Đại biểu Phan Thị Thanh Thuỷ (TX Thái Hoà) chất vấn: Đến bao giờ dự án trạm bơm Vực Rồng Khe Son mới đi vào hoạt động?

Giải trình về vấn đề đại biểu Thủy nêu, Tư lệnh ngành NN&PTNT cho biết: Đây là trạm bơm thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng, thi công đã lâu nhưng chưa bàn giao được. Trạm bơm này có hệ thống máy bơm chìm, nên nếu giao cho xã thì xã không có chuyên môn quản lý, cho nên phải chuyển cho công ty Trách nhiệm Một thành viên Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý, Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng một số hộ dân có công trình đi qua dẫn đến việc công trình thi công chậm. Vấn đề này sở cũng đã giải quyết xong và đang cho đơn vị thi công sửa chữa lại những điểm hư hỏng, xuống cấp. Về phía lãnh đạo sở NN&PTNT cam kết trong quý 1/2021 sẽ bàn giao và đưa vào vận hành công trình.

Đại biểu Lữ Thị Thìn (Quế Phong) chất vấn về công tác giao đất, giao rừng.

Đại biểu Lữ Thị Thìn (Quế Phong) chất vấn: Công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, trong đó có thu hồi đất từ các nông lâm trường đến nay chưa có nhiều chuyển biến, người dân kiến nghị kéo dài trong thời gian qua. Nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm trễ kéo dài này và hướng xử lý trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình vấn đề đại biểu chất vấn.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất của các nông lâm trường, Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ cho biết theo quyết định diện tích chuyển đổi có trên 78 ngàn 100 ha. Trong đó, diện tích giữ lại cho các nông lâm trường 66 ngàn 500 ha, hiện đã chuyển về cho các địa phương 12 ngàn 166 ha,  trong đó đã có quyết định thu hồi 11 ngàn 500ha. Không trực tiếp giải trình về nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm trễ kéo dài này và hướng xử lý trong thời gian tới, ông Giám đốc Sở NN&PTNT đã "nhường" câu trả lời này cho ông Giám đốc sở TN&MT.

Còn rất nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất trong khi rừng giao cho doanh nghiệp lại để hoang.
Còn nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất trong khi rừng giao cho doanh nghiệp lại để hoang. (Ảnh Internet)

Giải trình chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Võ Duy Việt cho biết liên quan đến đề án giao đất giao rừng lâm nghiệp hay nói cách khác là giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, Đề án này được Chính phủ chỉ đạo, ngành NN chủ trì tham mưu, UBND tỉnh đã phê duyệt và hiện Sở NN đang chủ trì thực hiện nội dung này, tập trung chỉ định các vùng liên quan đến nhu cầu của các hộ gia đình cá nhân được nhận đất, nhận rừng.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Võ Duy Việt giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Trả lời câu hỏi: Đề án đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo Nghị định 118, tiến trình và kết quả thực hiện đề án, quỹ đất của các nông lâm trường sau khi rà soát được bao nhiêu theo đề án, đã giao về địa phương bao nhiêu và quỹ đất được giao đã được sử dụng như thế nào? Người đứng đầu ngành TN&MT cho biết theo đề án về nông lâm trường, bao gồm 11 nông lâm trường phải rà soát sắp xếp, tổng quỹ đất theo phương án phải trả về cho địa phương 8.100 ha. Trên thực tế, sau khi rà soát, các ngành cùng Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành QĐ phê duyệt thu hồi của hệ thống nông lâm trường và trả về cho địa phương 11.514 ha. Về phía Sở TNMT đã cùng các ngành tổ chức bàn giao trên thực địa cho các địa phương có nông lâm trường trả về cho địa phương quản lý. Sau đó, đất được giao cho ai và thực hiện bàn giao được bao nhiêu, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, xã. Trấch nhiệm của ngành TNMT, Nông nghiệp và các ngành khác là giám sát. Đối với trách nhiệm của ngành TNMT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, ban hành hướng dẫn, xây dựng phương án quản lý sử dụng số diện tích đó sau khi bàn giao về cho địa phương. Phương án này ở thời kỳ đầu theo văn bản 2961, huyện xây dựng xong phương án trình Sở có ý kiến, UBND tỉnh chỉ đạo và tiếp tục thực hiện. Qua thực tế, quy trình này thực hiện tốn thời gian, Sở TNMT xin phép UBND tỉnh uỷ quyền cho huyện xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện. Và hiện quy trình này vẫn đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Ngoài thực hiện đôn đốc bằng văn bản, Sở tổ chức giao ban 6 tháng, 1 năm trong thực hiện nhiệm vụ này. Hiện số huyện lập phương án tổ chức thực hiện mới có 3 đơn vị, nhưng chưa hoàn thiện.

Các đại biểu tham dự.

Giám đốc Sở TN&MT cũng chỉ ra nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề án này: Phần diện tích giao về địa phương quy mô không lớn, nhưng điều kiện rừng và đất thường ở vùng sâu, vùng xa; Khi lập phương án và tổ chức thực hiện đề án cần kinh phí, trong khi ngân sách của huyện còn khó khăn.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Võ Duy Việt đề nghị địa phương có thể thực hiện xã hội hoá, kết hợp việc nhà nước sẵn sàng chi trả cho đề án giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, từ đó từng bước giải quyết vấn đề.

Được chủ tọa đề nghị nói thêm về những khó khăn ở cơ sở trong quá trình triển khai đề án, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho biết: Về phía địa phương, thực hiện phương án khi có đất giao cho xã, xã khoanh vùng giao cho xóm lập phương án cho các hộ: nghèo, chính sách, nông dân chưa có đất hoặc ít đất và giao trên thực địa. Hiện, Quỳ Hợp gặp khó trong việc một vài điểm thu hồi của lâm trường, do có vùng người dân không chấp hành pháp luật, chống đối, chiếm đất và các hộ dân tự ý chia đất, đã xảy ra tranh chấp, kiện tụng làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện đề án.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường kết luận nội dung chất vấn này.

Làm rõ thêm về nội dung này, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin: Thực hiện giao đất nông lâm trường về các địa phương theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ, Thông tư 02 của Bộ NN&PTNN. Khi thảo luận chuyển đất nông lâm trường về cho các địa phương, có Ban tư vấn của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu, mời làm việc cụ thể với lãnh đạo từng nông lâm trường, từng lãnh đạo huyện gắn với từng địa phương để thống nhất việc chuyển bao nhiêu diện tích, ở đâu, như thế nào về cho địa phương, phần nào lâm trường giữ lại quản lý. Từ thực tế triển khai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các địa phương nên thống nhất địa giới hành chính với nông lâm trường, đồng thời có phương án đo đạc trên thực địa để giao. Nếu không giao được cho cá nhân, phải giao cho tổ chức để có chủ quản lý, chịu trách nhiệm.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm