Tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Hoàng Thị Thanh Loan
Chương trình hành động của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Hoàng Thị Thanh Loan:
Là chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội lấy ý kiến góp ý các dự án Luật, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử trị trước và sau kỳ họp, các chương trình giám sát và các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, tôi luôn hiểu rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri, chính vì thế tôi đã chuẩn bị một tâm thế chủ động nếu được vinh dự trở thành người đại biểu của nhân dân.
Tôi xin nêu chương trình hành động của mình:
Thứ nhất: Về phẩm chất đạo đức, lối sống và ý thức kỷ luật:
– Phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác để làm tốt vai trò của người đại biểu nhân dân.
– Tiếp tục và không ngừng trau dồi phẩm chất của một người cán bộ, đảng viên; Gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của các cấp ủy Đảng, pháp luật nhà nước và các quy định của cơ quan đơn vị nơi công tác, các hương ước nơi địa bàn dân cư mình sinh sống.
– Sống giản dị, tiết kiệm, hoà đồng với đồng chí, đồng nghiệp và bà con khối phố.
– Thường xuyên gương mẫu tham gia các hoạt động xã hội, tích cực trong các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức xã hội phát động; tự nguyện chia sẻ Giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình mình với tinh thần tương thân tương ái cao
Thứ hai: Về trách nhiệm đại biểu của dân:
– Có trách nhiệm với cử tri, liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên dành thời gian để tiếp xúc với cử tri, với nhân dân để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri;
– Thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, với các cơ quan nhà nước, với các tổ chức hữu quan.
– Tham gia xử lý tốt nhất các vướng mắc trong quá trình tiếp công dân và xử lý đơn thư.
– Tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
– Thực hiện trách nhiệm với cử tri, với nhân dân trong thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong quá trình tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội về lĩnh vực Văn hóa, xã hội, tôi đã được đi đến các vùng miền núi, vùng nông thôn để thực hiện các chương trình khảo sát về đời sống của đồng bào dân tộc; tham gia các chương trình tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn nhân dịp đầu năm, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân nói chung, bên cạnh đó, thấy nhiều con em học xong không có việc làm. Chính vì thế, trong chương trình hành động của mình, tôi quan tâm đến vấn đề chính sách việc làm cho người nông dân, với mong muốn họ trở thành chủ thể trong phát triển kinh tế (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại) và mong muốn tạo được nhiều cơ hội cho nông dân tiếp cận những nguồn lực để sản xuất kinh doanh như (đất đai, vốn, khoa học-kỹ thuật trong sản xuất).
Vấn đề tôi quan tâm tiếp theo là giáo dục.
Là một người đã từng làm trong ngành giáo dục 11 năm, tôi sẽ đưa tiếng nói của mình đến với Quốc hội, Chính phủ về 4 vấn đề :
– Một là khắc phục tình trạng thi cử nặng nề gây tốn kém về tiền bạc, thời gian của gia đình và xã hội;
– Hai là giảm tải môn học cho học sinh tiểu học, tăng cường dạy về kỹ năng sống cho các cháu;
– Ba là nâng cao chất lượng đào tạo, gắn giáo dục đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để người học được thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn;
– thứ tư, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường lớp để tránh tình trạng một lớp học có sĩ số học sinh quá đông.
Để hoàn thành tốt chương trình hành động trên tôi ý thức rất rõ mình còn phải nỗ lực cố gắng rất nhiều mới hoàn thành những nhiệm vụ mà tôi đã tóm tắt ở trên. Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của mình hơn bao giờ hết tôi rất cần sự giúp đỡ chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền nơi tôi công tác. Tôi cần sự giúp đỡ, cộng tác của MTTQ, và các tổ chức chính trị xã hội, của tỉnh đặc biệt là các địa phương mà tôi được vinh dự ứng cử. /.