Tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Thái Văn Thành
Chương trình hành động của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Thái Văn Thành:
Với trách nhiệm, vị trí công tác hiện tại là đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi xác định rõ tôi có được bầu làm đại biểu Quốc hội lần này hay không, hoàn toàn do cử tri lựa chọn, quyết định, đó là quyền của cử tri. Dù ở cương vị nào thì tôi cũng nguyện đem hết khả năng, trí tuệ, nghị lực, thời gian để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, yêu cầu của cử tri để tổng hợp, kiến nghị, giám sát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri, của công dân, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Nếu vinh dự được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV tôi xin nêu rõ chương trình hành động của mình như sau:
1. Tham gia đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri tỉnh Nghệ An và cử tri của đơn vị bầu cử. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt thông tin thực tế, phát hiện và kiến nghị với Quốc hội từng bước, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn hội nhập hiện nay, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó tập xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp các cấp: góp phần làm cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề về đối nội, đối ngoại, về kinh tế – xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh – quốc phòng và các vấn đề quan trọng khác của đất nước; giám sát tối cao các hoạt động của bộ máy nhà nước.
2. Trên cương vị là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện cho khối Giáo dục và Đào tạo – Khoa học và Công nghệ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ cùng ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các nội dung:
Thứ nhất: Tập trung xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng năm 2030. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh theo hướng khoa học, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tập trung ưu tiên nguồn lực nhà nước, xã hội hóa để phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai: Tham mưu và thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Khoa học và Công nghệ; cũng như tham mưu ban hành cơ chế chính sách, nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn, gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở vùng dân cư còn gặp nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ ba: Tiếp tục tham mưu các cơ chế, chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội học tập, được tiếp cận mô hình giáo dục chuẩn quốc tế cho con em nhân dân Nghệ An; chú trọng mô hình phát huy giá trị truyền thống văn hóa, phẩm chất tốt đẹp và từng bước quốc tế hóa những giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ.
Thứ tư: Tham mưu cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ năm: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ tri thức, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn, phát minh sáng chế, khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra việc làm cho xã hội, thúc đẩy các dự án gắn kết nghiên cứu giữa nhà khoa học, người nông dân để thực hiện thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tham mưu các cơ chế chính sách từng bước tham mưu đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo, nhất là nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu: Tập trung nguồn lực để tác động khoa học và công nghệ cho một số sản phẩm chiến lược của tỉnh, nhất là nông nghiệp, dược liệu. Thực hiện chương trình 100 sản phẩm hàng hóa có tác động của khoa học và công nghệ trên địa bàn toàn tỉnh gắn với thương hiệu Nghệ An, tạo tiền đề cho triển khai thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Tạo được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, khối lượng lớn và thương hiệu mạnh từ KH&CN bằng việc ứng dụng mạnh công nghệ sinh học và gắn kết công nghệ khác (công nghệ thông tin, tự động hóa…); Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu y học hiện đại, để phục vụ người dân, nâng cao đời sống và chất lượng sống cho nhân dân.
Thứ bảy: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chương trình cụ thể kiên quyết thực hiện công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi giải quyết công việc của người dân nhanh gọn, tránh phiền hà, sách nhiễu với nhân dân.
Với những chương trình tâm huyết của mình, tôi mong cử tri của tỉnh, huyện lựa chọn, bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV để tôi được thực hiện nhiệm vụ của mình trước cử tri./