Thảo luận tại tổ 4 kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2016 – 2021: Ai chịu trách nhiệm về quỹ đất bị bỏ hoang?
Nhiều đại biểu tại tổ 4 đã đặt câu hỏi về thực trạng ”lãng phí quỹ đất” trong phiên thảo luận chiều nay (10/7) tại kỳ họp thứ 9 – HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII. Ông Hoàng Văn Phi – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên điều hành phiên thảo luận tổ 4 (gồm đại biểu các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên).
Ai chịu trách nhiệm về quỹ đất bị bỏ hoang?
Ông Đinh Xuân Quế - Đại biểu huyện Nam Đàn lấy dẫn chứng về vùng đất dẫn vào cửa ngõ huyện Nam Đàn, trước đây là rất trù phú nhưng sau GPMB nhường chỗ cho quy hoạch đã bị bỏ hoang. Điều này không chỉ gây lãng phí quỹ đất mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường.
Thực tế trên địa bản tỉnh Nghệ An, không chỉ khu đất do Nhà nước quản lí bị hoang hóa hàng chục năm nay, mà ngay cả người nông dân, tâm lí “được thì làm, mất thì bỏ không” cũng đã gây lãng phí nguồn tài nguyên lớn.
Trước tình trạng bỏ hoang đất Nông nghiệp ngày càng tăng nhưng Nhà nước chưa có chế tài xử lí, đại biểu Đinh Xuân Quế mong muốn tỉnh cần quan sâu sát đến vấn đề này, có quy định, chế tài rõ ràng, có kế hoạch rà soát quỹ đất và tổ chức đấu giá để khai thác những khu đất này.
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiều nông dân muốn phát triển trang trại, gia trại trên những vùng đất bị bỏ không nhưng các dự án theo mô hình này phải trình qua tỉnh nên người dân e ngại. Bởi vậy, để khuyến khích cho người dân phát triển trang trại, gia trại, tỉnh nên giao lại cho huyện xem xét dự án này vì huyện cũng cơ quan ký quyết định cho người dân thuê đất.
Cần thiết có dự án Công nghiệp, công nghệ cao ''tạo động lực”
Với trách nhiệm là Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Hoàng Nghĩa Hiếu thừa nhận: Mặc dù ngành Nông nghiệp của tỉnh Nghệ An tăng cao hơn các các tỉnh lân cận, tuy nhiên, phát triển Nông nghiệp mới dừng lại ở các dự án nhỏ và vừa, chỉ góp phần tạo sự ổn định đời sống người dân khu vực Nông thôn. Vị Gíam đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Muốn phát triển thì ngành Nông nghiệp cần có các dự án mang tính đột phá.
Để làm được điều đó, trong khi nhà nông vẫn còn loay hoay trong tìm hướng canh tác sản xuất, còn Doanh nghiệp chưa có động lực vào đầu tư thì tỉnh cần bổ sung, hoàn thiện các chính sách chuyển đổi Nông nghiệp và chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp. Hai điều kiện này là cơ sở để tạo sự liên kết “3 nhà” trong phát triển Nông nghiệp.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong phát triển Nông nghiệp, ngoài chính sách, tư duy kinh tế và hệ thống chính sách chưa đủ “hấp dẫn” thì thiên tai, nhân tai cũng là một rào cản trên lĩnh vực này.
Đại biểu Đinh An Phong - huyện Nghi Lộc và đại biểu Đặng Quang Hồng – huyện Đô Lương yêu cầu có giải pháp để khống chế dịch tả lợn Châu Phi một cách hiệu quả. Các đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi mà ngày nào cũng thấy đưa tin về việc xuất hiện ổ dịch mới tại nhiều địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tổng đàn lợn hiện có mà còn gây thất thoát lớn cho người chăn nuôi.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin: Hiện tại Nghệ An đã tiêu hủy gần 3 triệu con lợn nhiễm dịch này (Chiếm 0,8% tổng đàn của tỉnh). Số lợn mắc dịch tả Châu Phi vẫn chưa dừng lại. Dịch nguy hiểm nhưng, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng vẫn có giải pháp khá hữu hiệu, khi rắc vôi bột và hóa thì virút tả lợn châu Phi sẽ bị yếu đi. Hơn nữa, Nghệ An đang phát triển khá mạnh hình thức chăn nuôi an toàn sinh học nên các trang trại lợn lớn vẫn bảo vệ được tổng đàn. Hơn nữa, Nghệ An tăng cường quản lý vận chuyển (thành lập chốt chặn kiểm soát) và nghiêm túc thực hiện “5 không” khi xuất hiện ổ dịch. Bởi vậy, biểu đồ lợn mắc dịch tại Nghệ An đang đi xuống.
Nhiều khó khăn sau sáp nhập xã xóm, bản
Sáp nhập xã, xóm, bản là chủ trương lớn với mục tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Theo đại biểu Đinh Thị An Phong – huyện Nghi Lộc: Việc sáp nhập xóm, bản hiện đang có nhiều khó khăn, trong đó việc thực hiện chế độ cho Cán bộ xóm chưa được tính toán kỹ và đặc biệt, công tác xây dựng lại hạ tầng thiết chế văn hóa cần một nguồn kinh phí lớn mà rất khó huy động trong dân.
Đại biểu Đinh Xuân Quế - huyện Nam Đàn cho rằng, Nhà nước vừa huy động sức dân rất lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nay việc sáp nhập xóm bản lại cần tiếp tục phải tái thiết chế. Ông Đinh Xuân Quế lấy ví dụ, xóm A trước đây, chỉ xây Nhà văn hóa đủ cho 50 người tham gia sinh hoạt, nay 3 xóm nhập lại, đương nhiên sẽ phải xây lại một cái nhà văn hóa to hơn. Kinh phí này sẽ lấy đâu ra?
Nhiều đại biểu tổ 4 cũng mong muốn tỉnh có kế hoạch, quy hoạch để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu để tạo điểm nhấn để đầu tư, hạn chế đầu tư dàn trải như hiện nay.
Tại tổ 4, các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề mất ATGT trên các tuyến Quốc lộ; thực trạng trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy; vấn đề GPMB và bồi thường GPMB các KCN; tình trạng ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản và các nhà máy; giải quyết các bãi rác trên địa bàn;…
Lê Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin