Nghề trồng đào rừng ở bản Mông Kỳ Sơn
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán, vì vậy, khoảng 20 ngày tới anh Lẩu sẽ chặt cành những cây đào đã hơn 10 năm tuổi của gia đình mình để bán. Gốc cây đào anh giữ lại để phát triển cành cho năm sau.
Vườn đào mốc hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Xồng Bá Lẩu, bản Buộc Mú 1. |
Anh Lẩu chia sẻ: Sau 5 năm tốt nghiệp đại học nông nghiệp, anh trở về quê nhà lập nghiệp. Qua quá trình nghiên cứu, anh nhận thấy địa hình, khí hậu, độ ẩm ở xã Na Ngoi rất phù hợp với cây đào, cho nên năm 2011 anh mạnh dạn đầu tư trồng 3ha đào mốc.
Anh Xồng Bá Lẩu bên một cây đào mốc. Bán đào cành mỗi năm mang lại cho gia đình anh thu nhập hơn 90 triệu đồng. |
“Hiện nay gia đình tôi có vườn đào hơn 850 gốc, toàn bộ là đào đá, đào rêu mốc, trồng đã hơn 10 năm tuổi. Hàng năm, tôi chặt cành bán 1 lần và giữ gốc lại. Sau 3-4 năm cành bị chặt sẽ tiếp tục phát triển trở lại và lại cho thu hoạch. Nhờ tỉa cành đào bán mà mỗi năm đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 90-100 triệu đồng. Có thể nói trồng một vườn đào cuối năm bán, cả nhà không phải lo làm việc khác mưu sinh. Mọi việc trong nhà từ sửa nhà, mua sắm đều dựa vào cây đào” - anh Lẩu cho biết thêm.
Ngoài trồng đào, anh còn trồng 1ha gừng, cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. |
Ngoài trồng đào, gia đình anh Xồng Bá Lẩu còn trồng gừng và cây dược liệu. Chỉ tính riêng trong năm qua, từ bán gừng anh đã thu được 120 triệu đồng. Còn số diện tích trồng cây dược liệu chủ yếu là tam thất, anh chưa bán mà tiếp tục ươm giống để nhân rộng mô hình. Cũng trong năm 2020, anh bắt đầu mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây dược liệu khác là đương quy và tam thất.
Anh Lẩu chăm sóc, nhổ cỏ cho diện tích trồng cây dược liệu của gia đình. |
Thay cho việc phải vào rừng tìm cây đào, xã Na Ngoi đã vận động bà con nông dân trồng đào trên các sườn đồi, trên nương rẫy, vừa tiện chăm sóc, chặt cành để bán dịp Tết vừa có nguồn thu nhập cao. Hiện, toàn xã Na Ngoi có hàng chục ha đào được trồng tập trung ở các bản như Buộc Mú, Kẻo Bắc, Ka Nọi, Tổng Khư...Đây là giống đào địa phương nên bà con trồng bằng hạt, từ năm thứ 3 trở lên bắt đầu cho thu hoạch quả và tỉa cành để bán.
Đào được đồng bào Mông Na Ngoi trồng trong trang trại để bán cành dịp Tết. |
Na Ngoi nằm ở độ cao 1600 mét so với mực nước biển, khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này đã tạo cho thân cây mọc nhiều rêu mốc, cổ kính thương lái gọi là “đào rừng” nên bán được giá cao hơn.
Dấu vết cành đào mà người dân chặt bán trong dịp Tết Nguyên đán 2020. |
Theo ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, tên gọi “đào rừng” như là một tên thương mại chung cho các loại đào chuyển từ miền núi về các tỉnh đồng bằng. Gọi như vậy để nâng cao giá trị cành đào, vì người tiêu dùng tại các tỉnh miền xuôi yêu thích các sản phẩm từ miền núi. Còn trên thực tế hiện nay trên địa bàn xã Na Ngoi không hề có đào rừng tự nhiên, mà chỉ có các loại đào do chính người dân tự trồng trên nương, rẫy và trong vườn nhà.
Lớp địa y, rêu mốc bám dày trên mỗi gốc đào trồng. |
“So với bán quả thì bán cành đào vào dịp Tết dễ bán hơn, lợi nhuận mang lại cao hơn. Chủ trương của xã là chỉ cho bán cành, giữ lại gốc, vì giữ lại gốc sẽ phát triển cành mới” – ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi trao đổi.
Nhiều diện tích đào được đồng bào Mông Na Ngoi trồng ở vườn để bán cành dịp Tết. |
Không chỉ có gia đình anh Xồng Bá Lẩu, mà ở xã Na Ngoi, mô hình trồng gừng, trồng cây dược liệu và trồng đào đang là sự lựa chọn của đồng bào Mông nơi đây. Với hướng đi đúng đắn này, sẽ mang lại nguồn thu nhập bền vững, góp phần XĐGN, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao Na Ngoi.