Miền Tây Nghệ An vẫn “loay hoay” với bài toán kinh tế
Đó là vấn đề mà nhiều đại biểu trăn trở tại phiên thảo luận Tổ 6 (gồm đại biểu các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp) diễn ra vào chiều nay (10/7), trong khuôn khổ chương trình họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII. Ông Lang Văn Chiến – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Châu chủ trì phiên thảo luận.
Miền tây Nghệ An khó phát huy lợi thế tiềm năng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Đức Thuận - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu còn nhiều băn khoăn như tốc độ tăng trưởng kinh tế Nghệ An vẫn trong thời gian qua đã nhiều chuyển động nhưng vẫn không thu hút được các dự án lớn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị tỉnh cần xem xét và tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, đại biểu Quỳ Châu cho biết, miền Tây Nghệ An rất giàu tài nguyên nhưng để khai thác và phát huy lợi thế tiềm năng đang còn nhiều hạn chế.
Theo đại biểu Ngô Đức Thuận, một trong những lý do loay hoay mãi bài toán kinh tế này là do kinh tế miền tây Nghệ An chủ yếu là phát triển rừng, bởi những nơi có độ che phủ cao thì đời sống kinh tế của người dân thấp; trong đó việc hưởng lợi từ rừng thì lại hạn chế, trách nhiệm, áp lực chính quyền cấp ủy rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh cần phải có định hướng mang tính thực tế, hướng đi cụ thể và có cơ chế đặc thù cho các huyện miền Tây Nghệ An.
Người dân miền núi vừa thiếu điện, vừa thiếu nước.
Liên quan đến vấn đề điện lưới, đại biểu chí Lang Văn Chiến – Bí thư huyện ủy Quỳ Châu cũng cho biết, trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua khiến cho các huyện miền núi thiếu nước sinh hoạt, đồng thời tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên dẫn đến việc sinh hoạt cũng như sản xuất người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong khi Quyết định thủ tướng chính phủ phấn đấu năm 2020 hoàn thành 100% lưới điện thôn bản, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai, đến nay có khoảng 200 bản chưa có điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, để đầu tư lưới điện thì người dân miền núi đã phải di dời hoặc tái định cư đến nơi ở mới khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều bất cập; tuy nhiên việc hưởng lợi trong vấn đề sử dụng điện của người dân vẫn còn hạn chế. Đại biểu Lang Văn Chiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành vào cuộc, thật sự trách nhiệm đối với các địa phương vùng cao để có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo điện cho người dân các huyện miền núi.
Chế độ cho người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập thôn, xóm, bản.
Trăn trở về vấn đề sáp nhập khối xóm bản, đại biểu Lưu Văn Hùng – Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong nêu lên thực trạng khi thực hiện chế độ cho người hoạt động không chuyên trách theo nghị định 34/2019/NĐ-CP bằng 3 mức lương cơ sở trên một thôn bản là quá thấp đối với các huyện miền núi. Bởi địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, hạ tầng thông tin thì chưa đồng bộ nên hoạt động của người không chuyên trách khó khăn. Đại biểu kiến nghị tỉnh cần ban hành chính sách phù hợp với từng vùng, từng miền.
Đối với vấn đề y tế, đồng chí Võ Thị Minh – Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, đại biểu Quỳ Hợp băn khoăn trước thực trạng nhiều trạm xá miền núi hiện nay không có bác sỹ khiến cho việc đảm bảo sức khỏe và cuộc sống của người dân có nhiều bất cập. Vì vậy, đại biểu mong muốn ngành y tế cần rà soát và có giải pháp để bố trí tỷ bác sỹ đúng quy định, đặc biệt là các xã xa trung tâm.
Ngoài ra, các đại biểu tổ 6 còn có ý kiến thảo luận xung quanh các vấn đề khai thác khoảng sản, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, cung cấp nước sạch cho nhân dân, vấn đề giao đất, giao rừng cho người dân miền núi…
Lê Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin