Đại biểu nêu nguyên nhân gây vướng mắc trong GPMB
Tham gia thảo luận tại tổ 4 có các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Nam Đàn, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Ông Hoàng Văn Phi - Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Ông Hoàng Văn Phi - Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ 4. |
Cùng tham dự phiên thảo luận có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số Sở, ban ngành.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4. |
Thảo luận tại tổ 4, đa số các ý kiến đại biểu đồng tình với nội dung báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm (2016 - 2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Về những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) cho rằng, tồn đọng kéo dài nhất hiện nay là vướng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo đại biểu, do cơ quan tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng không nhất quán trong chính sách khiến người dân dè chừng với tư tưởng “Người xung phong đi trước thường thiệt hơn những người đi sau”.
Đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) nêu nguyên nhân gây vướng mắc trong GPMB. |
Về công tác cải cách hành chính, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác cải cách hành chính một số lĩnh vực còn chưa đồng bộ. Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên một số lĩnh vực chưa được công bố kịp thời. Đề án vị trí việc làm của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự khoa học, còn hình thức…
Đại biểu Hường cũng đề nghị các cấp, các ngành phải tính toán lại chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, hiện nay chưa có bước đột phá.
Cũng theo đại biểu huyện Nam Đàn, nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì vậy cần có những cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An không có ca mắc nào. Đây là một thành công rất lớn của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trong phòng chống dịch bệnh để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) nêu ý kiến tại buổi thảo luận. |
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) đề cập đến điều kiện của lực lượng công an chính quy được điều động về xã. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, quan tâm đến nơi ăn, chốn ở, điều kiện làm việc của lực lượng này.
Bên cạnh đó, hiện nay cử tri vẫn còn phản ánh về nhiều tồn tại, vướng mắc bất cập sau sáp nhập xóm, xã, bản và trong quá trình thực hiện Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 như chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách như công tác Thú ý cấp xã; cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa nơi thừa, nơi thiếu; chế độ cho cán bộ nghỉ việc sau sáp nhập…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu trực tiếp trả lời các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh. |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu đã điểm ra những kết quả nổi bật của tỉnh đã đạt được trong năm 2020. Theo đó, mặc dù tỉnh ta gặp thiệt hại do dịch bệnh Covid -19; thiên tai, hạn hán, lũ lụt… nhưng đã đạt được mức tăng trưởng khá, đứng trong nhóm 19 tỉnh có mức tăng trưởng dương trên 4% của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã điểm lại những kết quả đã được trong giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt trong giai đoạn trên, tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án; hoàn thành xây dựng nhiều công trình trọng điểm. Thu ngân sách cơ bản vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Trong xây dựng NTM, số xã đạt cao và kết quả được đánh giá thực chất. Cải cách hành chính đã đạt nhiều tiến bộ, thứ hạng tăng theo mỗi năm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã phát biểu rất sát và đó là những trăn trở của tỉnh. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh cần phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.
Thương mại, dịch vụ, công nghiệp mặc dù đã thu hút và có nhiều chuyển biến nhưng nguồn thu do các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh chưa có, vì tỉnh đang thực hiện các cơ chế trong thu hút đầu tư, trong đó có giảm thuế. Nghệ An cũng chưa tìm được dự án lớn tạo động lực để tăng nguồn thu cho tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng trong thời gian tới, nguồn thu của tỉnh sẽ tăng.
Về ý kiến có nhiều công trình dở dang, để lâu không hoàn thành, về vấn đề này thời gian tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Trong giai đoạn 2021 – 2025, hầu như tỉnh không cho khởi công công trình mới, chỉ cho khởi công các công trình trọng điểm, tập trung các công trình dở dang chưa hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, công tác GPMB hiện nay rất khó khăn, đây cũng chính là hạn chế cản trợ sự phát triển của tỉnh. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều công trình kéo dài nhiều năm. Lý do của việc GPMB chậm, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, chế độ chính sách có nhiều thay đổi, bên cạnh đó có một bộ phận cá nhân chây ỳ trong việc GPMB… Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đề nghị người dân phải có ý thức hơn và về phía nhà nước cần tập trung thực hiện các chính sách và cương quyết hơn trong công tác GPMB.
Về công tác cải cách hành chính, hiện nay vẫn còn một số bất cập mà các đại biểu đã nêu. Tuy nhiên những bất cập đó do quy định trong Luật, vì vậy tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất các bộ, ngành Trung ương giảm các bất cập nêu trên.
Về chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021 chỉ hơn 14.000 tỷ, tốc độ tăng trưởng, năm 2021 chỉ đạt mục tiêu 7 – 7,5%, theo ý kiến các đại biểu mức đề ra này còn thấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu giải thích, năm 2021 các doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trong những năm tiếp, tỉnh sẽ tăng chỉ tiêu thu ngân sách và chỉ tiêu tăng trưởng đúng với kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Trả lời đại biểu về việc điều chỉnh mức hỗ trợ đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách xóm, xã sau sáp nhập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các chức danh và mức hỗ trợ được quy định cụ thể trong Nghị định 34 của Chính phủ. Nguồn ngân sách để thực hiện hỗ trợ là ngân sách Trung ương. Vì vậy muốn điều chỉnh mức hỗ trợ thì cần có nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện hoặc phải đề xuất Trung ương sửa đổi quy định trong Luật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu chia sẻ khó khăn này.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính…