Đến năm 2020, khả năng 7/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An không đạt
Trong thời gian triển khai thực hiện Quyết định 2355 của Thủ tướng, trên địa bàn tỉnh đã có 24 chương trình, đề án đầu tư cho khu vực miền núi đã được phê duyệt. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng ở địa bàn miền Tây tỉnh giai đoạn 2013-2018 đạt 8,4%, thu nhập bình quân từ 16,4 triệu năm 2012 tăng lên lên 29,1 triệu đồng năm 2018, bằng 76,8% so với bình quân toàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong 27 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội và môi trường theo Quyết định 2355 của Thủ tướng, thì đến nay có 20 chỉ tiêu dự báo đạt. Mặc dù có mức tăng trưởng, nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực này vẫn còn chậm, chưa bền vững. Một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng có sẵn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch các huyện miền núi đã nêu lên 9 tồn tại và khó khăn, đó là nhiều doanh nghiệp được tỉnh cấp giấy phép đầu tư trồng rừng nguyên liệu, nhưng thiếu tầm nhìn, dẫn đến lãng phí về đất đai. Bên cạnh đó, việc quản lý về thủy điện, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản đang bộc lộ nhiều yếu kém, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực miền núi.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện lưới chưa hoàn chỉnh, nên còn rất nhiều bản, hàng ngàn hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Đặc biệt, có rất nhiều ý kiến quan tâm đến sự bất cập trong đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đã nêu lên 6 tồn tại và 10 giải pháp khắc phục. Đó là phải tìm ra nguyên nhân gây cản trở cho sự phát triển vùng phía Tây của tỉnh, trong đó có 7/27 chỉ tiêu khó đạt; Rà soát các dự án trồng rừng không hiệu quả, các dự án thủy điện chưa xây dựng, đặc biệt phải thực hiện quyết liệt trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu, các ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, phát triển các sản phẩm trọng điểm. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đồng bộ, toàn diện, đồng thời chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án lớn và phù hợp với thế mạnh của vùng. Chú ý hơn đến công tác đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất trọng điểm; Tăng cường công tác đào tạo lao động có chất lượng và công khai, minh bạch các cơ chế chính sách. Quan trọng hơn, cần chú trọng công tác quản lý khai thác khoáng sản, nguồn tài nguyên hợp lý, đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị,các địa phương miền núi cần tăng cường chăm lo, thực hiện tốt công tác giao dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ vững chắc tuyến an ninh biên giới.
Nguyễn Nam - Hữu Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin