Ấm áp tình thầy trò ở vùng lũ Hương Khê
Trường THCS Hà Linh là ngôi trường thuộc vùng hạ huyện của huyện miền núi Hương Khê, cách trung tâm Thị trấn 25 km. Trường được thành lập từ năm 1996, trường đóng trên địa bàn của một xã miền núi còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, địa hình chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Từ năm học 2014-2015, trường trở thành trường THCS liên xã sau khi tiếp nhận thêm số lượng học sinh xã Phương Mỹ theo đề án sáp nhập trường của UBND huyện Hương Khê.
Các em học sinh ở đây đều xuất thân từ gia đình nông dân, con đường đến trường của các em vừa xa lại bị chia cắt với núi đồi, khe suối. Trong năm học 2019-2020, trường có 52 em có khoảng cách từ nhà đến trường trên 10 km; những lúc trường có hoạt động buổi chiều, các em phải mang theo cơm trưa trong những chiếc cặp lồng nhỏ với những món ăn đơn giản nhất. Hiện trường có 83 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Về mùa nước lũ dâng cao, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày, mái trường vắng tiếng cười đùa trẻ thơ. Vườn trường, nhà xe của giáo viên và học sinh trở thành bãi tập kết, gửi gia súc của nhân dân vùng lũ. Nhiều hôm, trâu bò của bà con gửi vào trường quá đông, thầy hiệu trưởng và một số giáo viên sống gần trường phải trực đêm để bảo vệ tài sản của người dân. Từ trong khó khăn, tình cảm giữa nhà trường và bà con nơi đây càng thêm gắn bó.
Do đời sống còn nhiều vất vả nên hằng năm, có một số học sinh của trường bỏ học theo người thân sang Thái Lan lao động kiếm sống. Với quyết tâm không để học sinh phải bỏ học giữa chừng, nhà trường rất quan tâm đến đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nắm được thông tin có học sinh có ý định bỏ học, nhà trường lại tìm mọi cách, thông qua nhiều kênh tiếp cận để vận động các em quay trở lại trường tiếp tục học tập. Những học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học được thầy cô gặp gỡ, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí sinh hoạt để các em nuôi tiếp giấc mơ đến trường. Đơn cử như em Hồ Sỹ Tuấn học sinh lớp 9A (ở xóm 11 Hà Linh) có mẹ bị tai nạn mất năm 2013. Tuấn hiện đang sống với bố là Hồ Sỹ Đức và ông nội, bố bị bệnh gan nặng, mất khả năng lao động, tất cả các nguồn thu nhập và kể cả chữa bệnh cho bố đều dựa vào ngày công lao động của ông nội, nay tuổi đã cao cao, sức yếu. Hay trường hợp em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 8C (ở xóm 9 Hà Linh) có mẹ đã mất năm 2011, bố bị tai biến không có khả năng lao động và cần có người chăm sóc. Hiện nay 3 bố con sống với nhau, nguồn thu nhập không có, chỉ dựa vào sức lao động của 2 anh em đang là học sinh. Trường hợp em Hồ Sỹ Quang, học sinh lớp 8A (xóm 10 Hà Linh) cũng khó khăn không kém. Quang có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, bố sức khỏe yếu, hiện còn 2 em cũng đang học phổ thông. Toàn bộ chi phí chữa bệnh cho mẹ và việc ăn học của 3 con đều dựa vào nguồn thu nhập từ bố. Trước hoàn cảnh của các em, Chi hội Chữ thập đỏ của nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đóng góp bằng tiền và hiện vật, lập quỹ để hàng tháng hỗ trợ các em. Theo đó, quỹ đã hỗ trợ cho em khó khăn nhất là 300.000 đồng/tháng, 2 em còn lại mỗi tháng 200.000đ đồng giúp đỡ các em không bị mất bữa hàng ngày, để các em không phải bỏ học giữa chừng.
Các thầy trong Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường sau mỗi buổi tan trường đến nhà học sinh để thăm hỏi, động viên các em chuyên cần đến lớp là việc làm đã trở thành quen thuộc. Duy trì sỹ số, đảm bảo an toàn trường học, nâng cao chất lượng đại trà, không để một học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường qua nhiều năm học. Từ đặc thù của đơn vị, Ban giám hiệu và Hội đồng giáo dục của nhà trường đặc biệt chú trọng công tác định hướng, phân luồng học sinh lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS. Nhờ làm tốt công tác xây dựng khối đoàn kết nội bộ, dạy học sát đối tượng người học và tham mưu phối hợp tốt với Hội cha mẹ học sinh cũng như chính quyền địa phương nên nhiều năm liên tục, trường THCS Hà Linh luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến. Vượt khó vươn lên, sẻ chia yêu thương là nghị lực rất đáng trân trọng, là tình cảm bền chặt của thầy và trò nơi đây.
Tuy hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, điểm xuất phát thấp nhưng điều đáng quý là học sinh của nhà trường rất tự giác trong học tập, tu dưỡng. Đặc biệt, trong trường đã hình thành nhóm bạn giúp đỡ nhau trong học tập. Trong buổi về thăm trường gần đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một nhóm tự học của các bạn học sinh gồm 10 em đang say sưa học bài trong sự “lên lớp” của một bạn trong nhóm. Câu chuyện em lớp trưởng lớp 9 B Nguyễn Văn Chung say sưa giảng bài cho các bạn đã gây chú ý đặc biệt cho chúng tôi. Em Chung có phương pháp truyền thụ rất cuốn hút, cách trình bày, đứng bảng khá hợp lí.
Trao đổi với thầy hiệu trưởng Lê Hữu Việt, thầy cho biết: Nhóm tự học gồm các em khối lớp 9, nhóm đã tổ chức học được triển khai từ tháng 10 lại nay. Vào những buổi chiều không phải phụ giúp cha mẹ, các em đạp xe đến trường mượn phòng học nhóm cùng nhau. Thầy Việt kể, thấy học sinh dạy cuốn hút, thầy đã xin "dự giờ" suốt một buổi! Thấy cách tổ chức hiệu quả, nhà trường đã tuyên dương cách học của các em trước toàn trường và luôn tạo điều kiện cho các em sử dụng cơ sở vật chất trường học để trao đổi bài, giúp nhau cùng tiến bộ.
Từ phương pháp quản lí, cách tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị nên những năm học vừa qua thầy và trò đã gặp hái những thành tích rất đáng khích lệ, nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Ít ai ngờ rằng thầy trò của Trường THCS Hà Linh đang phải dạy học và sinh hoạt trong một điều kiện khó khăn đủ bề. Năm học 2019-2020, trường có 06 giáo viên thực hiện nhiệm vụ biệt phái vào thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; có 01 giáo viên biệt phái bổ sung cho trường tiểu học Hà Linh.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường có 12 phòng học nhưng do xây dựng đã lâu nên hầu hết các phòng đã xuống cấp, diện tích không đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay, địa phương đang tổ chức cải tạo để đảm bảo dạy học một ca nên từ đầu năm học tới nay, thầy và trò phải học tập trong những dãy nhà cấp bốn đã quá hạn sử dụng, luôn có nguy cơ mất an toàn. Các em học sinh ở đây chịu khó khăn về hoàn cảnh, lại thiệt thòi hơn các bạn ở các trường khác trong huyện vì nhiều năm nay không được học thực hành do trường không có nhà học bộ môn. Đồ dùng, thiết bị dạy học phải gửi ở khu nhà nội trú giáo viên nên mỗi ngày, cô phụ trách thiết bị lại phải chạy đi chạy lại gữa các lớp học và khu nội trú nằm phía bên kia đường để chuyển giao thiết bị để thầy cô và các em thoát cảnh dạy chay, học chay.
Đến năm học này, trường còn thiếu đến 09 phòng học bộ môn và phòng hành chính - chức năng. Dự báo đến năm học 2022-2023, trường tiếp tục thiếu 02 phòng học do số lượng học sinh thuộc vùng tuyển sinh của đơn vị gia tăng. Thiếu thốn đủ bề, với số lượng trên bốn trăm học sinh nhưng trường chỉ có 01 nhà vệ sinh và cũng chưa đạt chuẩn nhà vệ sinh trường học theo đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống nhà xe của học sinh đã xuống cấp. Trang thiết bị dạy học của nhà trường chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu chương trình dạy học hiện hành. Phòng thư viện, phòng Đội đã xuống cấp, mất an toàn nên học sinh không thể học tập và sinh hoạt tại đây. Cán bộ thư viện của nhà trường đã tìm cách khắc phục khó khăn để hoạt động đọc sách của học sinh vẫn được duy trì thường xuyên. Hàng ngày, các em vẫn được đọc sách nhờ sự nhiệt tình, vận chuyển sách lên tận lớp của cô thủ thư. Việc làm của cán bộ thư viện đã giúp cho học sinh có cơ hội tiếp cận nguồn sách tham khảo và hình thành thói quen, văn hóa đọc.
Sự tận tâm của đội ngũ, tình cảm yêu thương, sẻ chia của các em học sinh Trường THCS Hà Linh đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho chúng tôi mỗi lần về thăm trường. Một mùa Đông lạnh giá vùng núi cao đã sắp qua, một mùa Xuân mới lại về. Chúc cho thầy và trò của nhà trường một năm học thật nhiều niềm vui và thắng lợi, gắn kết yêu thương nhiều hơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin