"Nóng" các vấn đề về dân sinh trong phiên thảo luận tại hội trường
Tham dự kỳ họp có các ông: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các ông, bà trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp.
Trước phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp đã được nghe Thư ký kỳ họp, ông Phạm Văn Hóa báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ chiều 10/12. Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, tại 8 tổ thảo luận đã có 96 lượt ý kiến của các đại biểu. Qua tổng hợp, một số ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh và các ngành giải trình, làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả và một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2020.

Phần lớn các đại biểu đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực đáng ghi nhận của nhân dân và cán bộ tỉnh nhà đã vượt lên mọi khó khăn thách thức để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
Phiên thảo luận tại hội trường nóng lên với nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, đó là tình trạng giải quyết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP Vinh chậm; việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân trong xây dựng Cống Bara Nam Đàn 2 đã được cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; Tỉnh trạng ô nhiễm môi trường tại sông Rào Đừng, huyện Nghi Lộc; Vấn đề giết mổ gia súc tràn lan trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến người dân. Một số đại biểu băn khoăn về chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở cơ sở và một số sự cố ý khoa gần đây.

Giải trình về vấn này, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức nhưng chất lượng nguồn nhân lực, các kỹ thuật hiện vẫn chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Giám đốc sở Y tế cũng làm rõ nguyên nhân về những sự cố y khoa trong thời gian gần đây.

Về dự thảo bảng giá các loại đất – một dự thảo nghị quyết được dư luận quan tâm thời gian qua đã được các đại biểu thảo luận thêm tại hội trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, làm rõ thêm.
Một trong những nội dung được quan tâm thảo luận tại tổ chiều qua và tiếp tục được nhiều đại biểu đề xuất tại hội trường sáng nay đó là những băn khoăn trước một số quy định trong dự thảo nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản. Giám đốc sở Nội vụ cũng đã giải trình về vấn đề này.

Sáng nay, các đại biểu cũng quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020; chỉ tiêu thu ngân sách của năm 2020 và tình hình nợ công. Giám đốc Sở Tài chính cũng đã báo cáo về kết quả, những lý do vì sao thu ngân sách khó đạt mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra; tình hình và các phương án để giải quyết nợ công trên địa bàn; Lý do vì sao tình hình nợ đóng thuế tiếp tục gia tăng và các giải pháp để hạn chế...
Phiên thảo luận tại hội trường cũng được nghe Phó Chủ tịch UBND Lê Ngọc Hoa; Giám đốc Sở KHĐT, sở NN&PTNT...giải trình nhiều vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân tỉnh nhà quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá phiên thảo luận tại Hội trường, các vị đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu khách mời đã tập trung thảo luận thẳng thắng, làm rõ nhiều vấn đề về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, về các báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.
Những nội dung đại biểu băn khoăn, kiến nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng của đại biểu, cử tri và Nhân dân
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh giải trình tại phiên thảo luận.
Liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số, ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, ngày 18/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt đề án phát triển tổng thể kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh giải trình tại phiên thảo luận. Để đề án thực hiện có hiệu quả trên địa bàn Nghệ An, đại biểu Lương Thanh Hải đã nêu các đề xuất. Lần đầu tiên Quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Sau khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ có chương trình mục tiêu thứ 3 – Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020 để thực hiện từ năm 2021. Để tỉnh Nghệ An và các huyện có đồng bào dân tộc sinh sống thực hiện đề án này cần lưu ý đối tượng được hưởng là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiể số của miền núi, gia đình cá nhân người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống vùng đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp HTX, tổ chức kinh tế xã hội hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị các huyện căn cứ Nghị quyết này, tự nguyện xây dựng đề án phù hợp với địa phương, từ đó đề ra định hướng từng giai đoạn, từng năm, tổng hợp ngân sách để kịp trình Quốc hội vào tháng 5/2020. Thời gian không còn nhiều, các huyện cần nhanh chóng khảo sát thực tế để thực hiện. Khả năng Chính phủ sẽ không triển khai họp toàn quốc mà sẽ có hướng dẫn chuyển về các tỉnh, thành, từ đó có hướng dẫn chuyển về cho các huyện.
Đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu), cần đồng bộ việc bố trí nguồn lực và các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Nói về giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, theo đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu), cần đồng bộ việc bố trí nguồn lực và các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Đơn cử 2 nội dung: Thực hiện tốt chính sách cho người bảo vệ rừng để người dân sống được với nghề; Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông lâm trường, đẩy nhanh tiến độ lập phương án cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân. Nhiệm vụ này đã được xác định trong Nghị quyết 10 năm 2018, hoàn thành 2 nội dung này. Tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề ra nhiệm vụ cần đồng bộ giải pháp, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện.
Đại biểu Lục Thị Liên cũng đề xuất bổ sung thêm 2 giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành: Quyết tâm chính trị, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện mục tiêu đã đề ra; Có giải pháp nâng cao quyết tâm, nỗ lực của người dân cùng mục tiêu với chính quyền, các cấp.
Đại biểu Lê Xuân Đại phân tích nguyên nhân giảm mức dự toán ngân sách năm 2020
Quan tâm tới chỉ tiêu thu ngân sách trình HĐND tỉnh năm 2020 là 15.216 tỷ thấp hơn so 314 tỷ so với năm 2019 Ông Lê Xuân Đại đặt câu hỏi số liệu dự toán 2020 là khả thi hay không? Hay chúng ta quá cầu toàn, trong khi năm 2020 chúng ta bước vào Đại hội đảng đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, theo ông Đại, sau khi tính toán, thì mức thu ngân sách 15.216 tỷ đồng là có cơ sở.
Đại biểu Lê Xuân Đại phân tích nguyên nhân vì sao dự toán thu ngân sách năm 2020 giảm 314 tỷ đồng so với năm 2019. Ông Đại phân tích: nếu như năm 2019 kết quả thu ngân sách về mặt tổng thể đạt 15.530 tỷ , đạt 14% so với dự toán và tăng 12% so với cùng kỳ, là một sự nỗ lực cố gắng rất lớn. Đặc biệt, khoản thu nội địa chúng ta đạt 13830 tỷ, bằng 117% so với dự toán, trong đó trừ tiền sử dụng đất vẫn đạt cao hơn so với dự toán và cao hơn so với cùng kỳ. Trong 15 khoản thu chỉ có 2 khoản thu nhỏ không đạt dự toán.
Các đại biểu tham dự. Ông Đại cho rằng khoản thu tiền sử dụng đất để đưa vào năm 2020 là 2.500 tỷ là khả thi. Và thu ngân sách đặt ra 15.216 tỷ trong năm 2020, cũng là con số thể hiện sự phấn đấu trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, của ngành Tài chính, Thuế.
"Nếu cộng tiền thu nội địa, hoạt động XNK và trừ đi tiền sử dụng đất, đã tăng lên là 886 tỷ, bù trừ 1000 tỷ đồng chúng ta giảm, tức là 15.530 tỷ của năm 2019 thực hiện, trừ đi 15.216 tỷ thì vẫn còn giảm đi 314 tỷ đồng là có cơ sở" Ông Đại nhấn mạnh.
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu giải trình ý kiến đại biểu.
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu giải trình ý kiến đại biểu. Tại các tổ thảo luận có đề nghị Công an tỉnh nghiên cứu tham mưu HĐND tỉnh ra Nghị quyết nâng cao hiệu quả phòng chống tệ nạn đánh bạc trên địa bàn Nghệ An thời gian tới. Giải trình vấn đề này, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu cho biết, theo quy định, tội danh đánh bạc có mức hình phạt từ 6 tháng – 3 năm, nặng nhất đến 7 năm.
Về nội dung, tổ thảo luận đề nghị Công an tỉnh nên tổ chức hội nghị triển khai công an xã, Giám đốc Công an tỉnh xin ghi nhận và cảm ơn đại biểu.
Các đại biểu tham dự. “Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh đã đưa về các xã 116 xã với 336 cán bộ, chiến sỹ. Theo lộ trình của Công an tỉnh, từ nay đến Tết, lực lượng công an sẽ tăng cường gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ về xã, vừa đảm bảo chức năng nhiệm vụ công an xã, đồng thời tấn công, truy quét tội phạm an ninh trật tự”, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu cho biết thêm.
Về đề nghị Công an tỉnh tham mưu đề xuất chỉnh sửa một số lỗi trong Nghị quyết về tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn bán người của các đại biểu, Giám đốc Công an tỉnh xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tham mưu HĐND tỉnh có Nghị quyết sát thực đúng quy định của Pháp luật.
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, đại biểu HĐND tỉnh băn khoăn về việc làm thế nào để phát triển kinh tế Nghệ An.
Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình việc chậm trễ trong đền bù cho các hộ dân trong dự án Ba ra Nam Đàn 2
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình việc chậm trễ trong đền bù cho các hộ dân trong dự án Ba ra Nam Đàn 2. Giải trình việc chậm trễ đền bù cho các hộ dân trong dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết do trong quá trình thi công dự án đã có điều chỉnh ở một số hạng mục, bổ sung hơn 6 tỷ đồng chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên nguồn vốn này chưa được giải ngân và Sở vẫn đang làm việc với tỉnh để xin cấp kinh phí hỗ trợ GPMB cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, bà Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, tại kỳ họp trước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã ghi nhận sự chậm trễ này. Nguyên nhân chậm trễ là do điều chỉnh hạng mục trong dự án. HĐND tỉnh đã đưa nội dung này vào kết luận giám sát, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Giám đốc sở y tế Dương Đình Chỉnh giải trình ý kiến đại biểu
Giám đốc Sở y tế Dương Đình Chỉnh giải trình ý kiến đại biểu. Giải trình ý kiến cử tri Nguyễn Đình Toàn nêu băn khoăn của cử tri về chất lượng khám chữa bệnh và các biến chứng y khoa trong thời gian gần đây, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho rằng: ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức nhưng chất lượng nguồn nhân lực, các kỹ thuật hiện vẫn chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Giám đốc sở Y tế cũng làm rõ nguyên nhân về những sự cố y khoa trong thời gian gần đây. Ngành cũng phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của bệnh viện. Mong đại biểu cử tri tỉnh nhà đồng hành, ủng hộ với ngành y tế. Người đứng đầu ngành y tế hứa sẽ khắc phục những khó khăn trước mắt để đem lại sức khỏe, niềm vui cho cử tri và nhân dân tỉnh nhà.
Các đại biểu tham dự. Từ thực trạng đó, năm 2020 ngành đưa ra các giải pháp: trong đó chú trọng đầu tư CSH; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bám vào đề án phát triển BV vệ tinh, Phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới ở tuyến TƯ; Nâng danh mục kỹ thuật tuyến huyện lên 80%; Dự kiến tăng cường quản ý chất lượng bệnh viện; xây dựng quy trình xử lý phác đồ điều trị tại các cơ sở y tế tuyến xã, tăng cường bác sỹ gia đình; Triển khai xanh – sạch – đẹp trong y tế; đổi mới thái độ phục vụ; tăng trách nhiệm người đứng đầu.
Các đại biểu nêu ra nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra tại phiên thảo luận
Phiên thảo luận tại hội trường, trên tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn.
Ông Trần Văn Hường - Đại biểu Nam Đàn Liên quan đến việc giải quyết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP Vinh, trong đó có khu tập thể khối 3, Hà Huy Tập, ông Trần Văn Hường - Đại biểu Nam Đàn phản ánh, người dân bức xúc vì cán bộ thiếu trách nhiệm, thậm chí xuất hiện tình trạng làm hồ sơ giả. Có tình trạng những hộ được giải quyết nhưng cho thuê, người thực sự cần thì chưa có nhà để ở. Sự việc này đã kéo dài 5 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, trong tổng hợp ý kiến cử tri chỉ nêu chung chung là giải quyết chậm.
Ông Hường cũng cho rằng Nghị quyết chế độ phụ cấp cán bộ không chuyên trách ở cấp xóm vẫn gây băn khoăn. Cụ thể như hội nông dân có những đồng chí kiêm nhiệm nhiều chức danh nhưng không biết được hưởng như thế nào làm giảm nhiệt huyết, trách nhiệm của người cán bộ. Trước đây có phụ cấp cụ thể cho các chức danh thì bây giờ cũng cần có quy định cụ thể.
Ngoài ra, ông Hường cũng kiến nghị một vấn đề người dân Nam Đàn rất bức xúc lâu nay đã phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó là chậm trả tiền đền bù cho ba ra Nam Đàn 2.
Ông Trần Đình Toàn - ĐB Thanh Chương bày tỏ băn khoăn thời gian gần đây xảy ra vài sự cố y khoa tuyến cơ sở rất thương tâm khiến cử tri lo lắng. Ông Trần Đình Toàn - ĐB Thanh Chương băn khoăn thời gian gần đây xảy ra vài sự cố y khoa tuyến cơ sở rất thương tâm, khiến cử tri và nhân dân lo lắng.
"Đề nghị giám đốc Sở Y tế giải trình nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới?" - ông Toàn đặt câu hỏi.
ĐB An Phong cũng đề cấp tình trạng xử lý nước thải xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Xung quanh việc xây dựng dự án trên địa bàn (Khách sạn, nhà hàng, khu du lịch sinh thái) theo Quyết định 3503 năm 2013 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà hàng, khu du lịch sinh thái, bà Phong nêu sau chậm tiến độ, dự án tiếp tục được gia hạn nhưng không có thông báo gây bức xúc trong nhân dân.
ĐB Phong cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc ổn định sau sáp nhập xóm. Qua thực tế tại cơ sở nhận thấy nhiều bất cập: trong đó mức phụ cấp các chức danh còn thấp so với công việc thực tế; Quy định chức danh chưa có hướng dẫn cụ thể, vậy tại các kỳ đại hội của các tổ chức đoàn thể có được bầu các chức danh như trước đây hay không?; Khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể xóm, bản còn thấp.
Bà Ngô Thị Thu Hiền - ĐB TP Vinh phản ánh tình trạng giết mổ động vật tràn lan tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ và nhà dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà Ngô Thị Thu Hiền - ĐB TP Vinh phản ánh tình trạng do không có khu giết mổ tập trung nên thực trạng hiện nay giết mổ động vật tràn lan tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ và nhà dân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đi kèm với đó là cơ quan thú y TP không kiểm soát được nên nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao. Hàng ngày, người dân TP phải sử dụng thực phẩm chưa qua kiểm soát, tình trang các điểm nhỏ lẽ tại địa bàn TP xuất hiện tràn lan.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách sau sáp nhập xã, xóm, bản bà Cao Thị Thúy - Đại biểu huyện Diễn Châu đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa sau khi sát nhập xóm, cần quy định mức phụ cấp cho cán bộ sau sát nhập theo từng giai đoạn cho phù hợp...
ông Võ Duy Việt – Giám đốc sở TNMT thừa nhận vấn đề ô nhiễm nguồn nước là đúng thực tế. Giải trình ý kiến của đại biểu Đinh Thị An Phong về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ông Võ Duy Việt – Giám đốc sở TNMT thừa nhận là đúng thực tế và đã tái diễn từ nhiều năm qua. Theo ông Việt, biện pháp sắp tới Sở sẽ tham mưu để UBND tỉnh chủ trì họp với TP Vinh và huyện Nghi Lộc, các ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý dứt điểm 100% nước thải trước khi xả ra môi trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin